Phải hủy bỏ hàng chục tấn tinh bột khi thử nghiệm
Xuất phát từ người nông dân đi xuất khẩu lao động, sau 11 năm tích lũy kinh nghiệm về lĩnh vực nông nghiệp ở Hàn Quốc, Lê Văn Tám trở về nước, quyết định khởi nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Năm 2016, với diện tích 1.500 m2, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng chính thức được thành lập tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội. HTX phát triển 6 mô hình nhà phủ màng công nghệ cao của Israel chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch theo hướng hữu cơ.
“Đảm đương vai trò Giám đốc HTX, có dịp, tôi đi công tác, tình cờ ra bãi biển phát hiện người phụ nữ lớn tuổi mang 2 sọt rác đựng ống hút nhựa đổ ra biển. Tôi chạy vội ra và nói: Xin cô đừng đổ rác thải ra biển, cháu sẽ gửi cô ít tiền uống nước nhưng sau đó, họ vẫn đổ tiếp sọt rác thứ hai”, anh Lê Văn Tám kể lại.
Rồi một lần khác, anh xem phóng sự, thấy cảnh người dân xả ống hút nhựa ra đường, trên biển, cá ăn rác thải nhựa nên bị chết hàng loạt, rùa thì bị ống hút nhựa đâm vào mũi hoặc chứng kiến rất nhiều ống hút nhựa trong bụng cá... Theo các chuyên gia môi trường, những chiếc ống hút nhựa nhỏ bé tưởng chừng như vô hại nhưng thực chất lại là tác nhân lớn gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và làm ô nhiễm môi trường.
Cùng với túi nilon, ống hút nhựa cũng là tác nhân khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. “Thời gian để một ống hút nhựa bị phân hủy là 100 - 500 năm, trong khi đó lượng rác thải nhựa lại không ngừng tăng qua mỗi năm. Ống hút nhựa khi thải ra đại dương sẽ làm ô nhiễm nguồn nước và hủy hoại môi trường sống của các động vật biển”, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng chia sẻ.
Lo ngại về tính độc hại của ống hút nhựa, anh Tám bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất ống hút bằng các loại rau, củ sạch. Mỗi lần chứng kiến nông sản của bà con “được mùa, mất giá”, rau củ quả ế ẩm, vứt đầy ở ruộng, Lê Văn Tám càng trăn trở giải pháp tận dụng mua nguyên liệu này để làm các sản phẩm ống hút “xanh”.
Thế nhưng, từ suy nghĩ đến hành động và trở thành hiện thực là cả một hành trình khó khăn khiến Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng phải lao tâm khổ tứ. Trong quá trình sản xuất, anh và các nhân viên tưởng chừng phải bỏ cuộc nhiều lần. "Để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh sạch, đặc biệt ngâm trong nước có nhiệt độ cao, ống hút không bị nhớt, không bị mủn hoặc mất mùi vị là cả một hành trình tốn kém”, đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng nhớ lại.
Sau vài năm nghiên cứu, kết quả thử nghiệm ống hút rau củ đã thành công và được HTX đăng ký nhãn hiệu “Ống hút thực phẩm ECOS” cùng các tiêu chuẩn đi kèm nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
“Trước COVID-19, HTX đã gửi mẫu ống hút rau củ sang vương quốc Anh. Thời điểm gửi mẫu là mùa hè nên sản phẩm ống hút đạt tiêu chuẩn tốt. Tuy nhiên, khi đối tác đặt hàng mua 500.000 sản phẩm ống hút, từ Việt Nam, lô hàng được chuyển đi nhưng lại rơi vào đúng thời điểm mùa đông, âm 15 - 20 độ, độ ẩm thấp nên cấu trúc ống làm từ rau củ đã không phù hợp với thổ nhưỡng ở Anh. Cứ ngâm vào nước lạnh, sản phẩm ống hút bị nhũn”.
Không chỉ thiệt hại kinh tế do lô hàng bị trả lại, Lê Văn Tám buồn nhất là đánh mất uy tín với khách hàng, sản phẩm ống hút từ rau củ lại bị thất bại.
Sau vụ đổ bể này, Việt Nam lại rơi vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, anh Lê Văn Tám mày mò, nghiên cứu sản phẩm ống hút “xanh” để sản phẩm của mình có thể thích hợp với điều kiện thời tiết của các nước, chịu được nhiệt độ nóng, lạnh, thích ứng được thổ nhưỡng. Khó khăn lớn nhất khi làm loại ống hút từ các nguyên liệu này là phải giữ được độ cứng và cấu trúc khi sử dụng ở nhiều môi trường, đồ uống khác nhau, từ nước nóng, lạnh đến sinh tố, nước có ga…
“Trong hơn 2 năm đối mặt với đại dịch kéo dài, tôi vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa phải nuôi nhân công là hơn 10 người với mức lương bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/người, cuối cùng cũng đã giải mã được vì sao ống hút đã bị nứt khi ở môi trường lạnh, và đã tìm ra bí quyết để xử lý cấu trúc đàn hồi của ống hút”, anh Lê Văn Tám nhắc lại. Trời không phụ lòng người, quy trình sản xuất ống hút từ rau, củ, quả đã được hoàn thiện.
Anh Lê Văn Tám cho biết: Ngoài công dụng chính vẫn dùng để uống nước thì loại ống hút này còn có thể xào, luộc, nhúng lẩu... Theo anh Tám, ống hút được làm 100% bằng nguyên liệu hữu cơ, dây chuyền sản xuất được chuẩn hóa nên bảo đảm về chất lượng. Đặc biệt, trong hoàn cảnh ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang gây khó khăn cho sức khỏe cũng như đời sống kinh tế xã hội của cộng đồng, ống hút từ rau củ quả sạch sẽ góp phần thay đổi nhận thức và hành động của nhiều người.
Tháng 12/2020, sản phẩm ống hút được làm từ rau, củ quả của HTX dịch vụ nông nghiệp sông Hồng đã được Hội đồng chấm điểm OCOP thành phố Hà Nội chấm điểm sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Sản phẩm ống hút làm từ rau, củ quả được một số đơn vị đưa vào sử dụng tại một số cơ quan, đơn vị và một số quán cà phê giải khát ở Hà Nội. HTX cũng đã có những đơn hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc, Anh, Đức...
Vẫn loay hoay mở rộng thị trường và nhu cầu vốn
Là sản phẩm đạt 5 sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm ống hút được làm từ tinh bột và các loại ngũ cốc, rau, củ, quả (ECOS) của Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng đang được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, dù sản phẩm ống hút ECOS từng được xem là mô hình điểm của Hà Nội về sản xuất xanh, sạch, cho giá trị kinh tế cao, Lê Văn Tám vẫn phải loay hoay tìm các giải pháp để mở rộng thêm thị trường xuất khẩu, thêm đơn hàng bởi tính đến nay, sản phẩm ống hút rau củ vẫn chưa đạt được doanh thu như kỳ vọng.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng kiến nghị: Năm 2024, Chính phủ, Bộ, ban ngành, Hà Nội xem xét hỗ trợ các chính sách bán hàng, quảng bá sản phẩm ống hút “xanh”; tạo điều kiện cho HTX vay vốn để mở rộng khu sản xuất, nhà xưởng, tự động hóa để đáp ứng nhu cầu sản xuất được 1 triệu ống hút/ngày. “Tôi mong người dân có hành vi tiêu dùng thông minh, bảo đảm sức khỏe, sử dụng nhiều hơn nữa các sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường”, anh Lê Văn Tám bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Huân - Phó Giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE), một trong những khó khăn khi triển khai sản xuất xanh, bền vững liên quan đến chi phí đầu tư. “Nhiều khi, anh em trong ngành chúng tôi hay nói đùa đây là cuộc chơi của "con nhà giàu", chính vì cuộc chơi này chi phí rất lớn, từ trang thiết bị, chuyển đổi công nghệ cho đến chi phí về nhân lực, chuyển giao, nghiên cứu, đào tạo…”, ông Nguyễn Hoàng Huân chia sẻ
Tuy nhiên việc tiếp cận các nguồn vốn để triển khai những dự án sản xuất xanh, bền vững nhìn chung hiện vẫn còn khó khăn, chưa thực sự dễ dàng với doanh nghiệp. Một trong những khó khăn khác trong quá trình triển khai, theo ông Nguyễn Hoàng Huân là thiếu sự tương đồng, kết nối với địa phương. Trên một địa bàn vẫn có sự không đồng bộ giữa các đơn vị sản xuất cùng triển khai chuyển đổi sản xuất xanh và sự không đồng bộ trong chính sách áp dụng của địa phương.
Theo ông Nguyễn Hoàng Huân, trước tiên, cần có những giải pháp về cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, phát triển các công nghệ hiện đại để áp dụng vào sản xuất, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải cũng như cải tạo sản xuất, kịp thời đáp ứng mục tiêu tiết kiệm năng lượng và nâng cao sản lượng, hiệu quả của trang thiết bị đầu tư.
Thứ hai, cần có những cơ chế, chính sách giúp các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi vì chi phí của quá trình chuyển đổi sản xuất xanh rất lớn. Tốt nhất nguồn vốn này vừa giá rẻ và thời gian ưu đãi dài bởi sản xuất xanh, sạch không thể nào ngày một, ngày hai, do vậy cần một nguồn vốn dài hạn và ổn định.