Đúng vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm nay, Nhà máy chế biến tinh quặng Vonfram đầu tiên từ mỏ quặng đa kim Núi Pháo (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã bắt đầu hoạt động. Niềm vui của những người lao động của Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Nuiphao Mining) và những người thợ lắp máy, chuyên gia kỹ thuật... ngập tràn trên vùng đất miền núi bình lặng ngày nào. Dự án khai thác chế biến quặng đa kim mang tầm cỡ quốc tế và lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại đã chính thức cho ra những sản phẩm tinh quặng đầu tiên. Khẩu hiệu “Cùng nhau thực hiện niềm tin Việt Nam” của NuiPhao Mining khi bắt đầu tái khởi động dự án (năm 2010) đến nay đã trở thành hiện thực.
Dự án của những kỷ lục
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo do NuiPhao Mining thực hiện là dự án khai thác và chế biến khoáng sản lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới hơn 500 triệu USD, tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng Việt Nam. Qua nhiều “lận đận” ban đầu và sau khi được chuyển giao chính thức về cho Tập đoàn Masan quản lý, triển khai thực hiện, NuiPhao Mining trở thành dự án đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản ở khu vực các tỉnh phía Bắc do chính người Việt làm chủ đầu tư, trực tiếp điều hành, quản lý.
Nhà máy chế biến quặng của Nuiphao Mining. |
Cùng nhau thực hiện niềm tin Việt về một dự án trọng điểm mang tầm quốc tế, ngay khi tái khởi động dự án (tháng 6/2010), NuiPhao Mining lại tiếp tục xác lập những dấu ấn, những kỷ lục mới tại tỉnh Thái Nguyên. Chỉ trong một thời gian ngắn, 726 ha đất thuộc địa bàn 5 xã của huyện Đại Từ đã được giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án với tổng số tiền đền bù giải phóng mặt bằng lên đến hơn 1.300 tỷ đồng. Trong số 956 hộ thuộc diện mất toàn bộ đất thổ cư và đất nông nghiệp có 605 hộ dân đã được bố trí tái định cư (TĐC), ổn định cuộc sống, và nhiều hộ chọn hình thức tự lo TĐC. Song song với công tác GPMB, hàng loạt các hạng mục cơ bản của dự án đã được triển khai như: xây dựng moong khai thác lộ thiên, khu vực nghiền thô, nghiền tinh, tuyển nổi, khu chứa đuôi quặng, các khu tái định cư...
Trong thời gian qua, trong khi nhiều dự án đầu tư đình trệ vì khủng hoảng kinh tế chung thì ở NuiPhao Mining hơn 2.000 lao động làm việc cho dự án trong giai đoạn xây dựng đã làm việc hết công suất. Chỉ riêng bộ phận khai thác đã bốc dỡ trên 2 triệu m3 đất đá. Bộ phận xây dựng triển khai trên 10 triệu giờ làm việc không có sự cố nào liên quan đến vấn đề an toàn lao động. Đặc biệt, chỉ sau 1 năm kể từ khi chính thức xây dựng, Nhà máy chế biến quặng với công nghệ hiện đại được nhập khẩu từ châu Âu, Canađa, Mỹ, Ốxtrâylia, Ấn Độ đã cơ bản hoàn thành...
Ông Vũ Hồng, Phó Tổng giám đốc NuiPhao Mining cho biết: “Với tiến độ thực hiện như hiện nay, chúng tôi khẳng định toàn bộ dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến quặng Vonfram sẽ hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, đảm bảo ngay trong năm nay Nuiphao Mining có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số thị trường khác, đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cũng như sự phát triển kinh tế chung của tỉnh Thái Nguyên.
Gắn với cộng đồng để phát triển bền vững
Ngay từ khi triển khai dự án tại vùng mỏ đa kim Núi Pháo, Nuiphao Mining xác định mục tiêu gắn với cộng đồng để phát triển bền vững. Chính vì vậy, từ khi thực hiện công tác thu hồi đất để xây dựng mỏ, xây dựng nhà máy chế biến quặng, doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình phục hồi kinh tế, giúp người dân khu vực bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống. Khu TĐC Nam Sông Công và Hùng Sơn được triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng giúp cho hàng trăm hộ có nơi ở mới với diện mạo đô thị khang trang, hiện đại. Cùng với đó, doanh nghiệp còn hỗ trợ các hộ dân trong vùng ảnh hưởng bởi Dự án triển khai các mô hình phục hồi kinh tế như: mô hình trồng nấm ở xã Hùng Sơn, sản xuất chè an toàn ở xóm 7 xã Hà Thượng...; hỗ trợ 2 xã Hà Thượng và Hùng Sơn xây dựng nhà văn hóa, trạm y tế, trường tiểu học đạt chuẩn nông thôn mới...
mô hình sản xuất chè an toàn tại xóm 7 xã Hà Thượng do Nuiphao Mining hỗ trợ giúp người dân vùng bị ảnh hưởng phục hồi kinh tế. |
Mặc dù mới bước vào giai đoạn chuẩn bị sản xuất, Nuiphao Mining đã tuyển dụng hơn 200 lao động là những người bị ảnh hưởng của dự án làm nhân viên chính thức của công ty; đồng thời tiến hành tuyển dụng 230 con em các hộ trong vùng dự án đi đào tạo các nghề: hàn, điện, cơ khí để khi nhà máy chế biến quặng chính thức đi vào hoạt động nguồn nhân lực này cơ bản đáp ứng yêu cầu về lao động có tay nghề của doanh nghiệp. Đến nay có hơn 50% số lao động đang làm việc tại Nuiphao Mining là con em của người dân vùng bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, công ty còn sử dụng 417 lao động phổ thông là các hộ bị ảnh hưởng làm viêc tại công ty và các nhà thầu. Đặc biệt, kể từ khi triển khai dự án mỏ đa kim Núi Pháo, ngoài một số chính sách về đền bù, giải phóng mặt bằng của tỉnh Thái Nguyên, chủ đầu tư dự án đã giải ngân gần 19 tỷ đồng cho các chương trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ người dân vùng bị thu hồi đất. Nhằm hỗ trợ tạo thêm nhiều việc làm cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, công ty đã giới thiệu và kết nối tổ may Khánh Hiền may đồng phục, quần áo bảo hộ lao động cho chính cán bộ công nhân viên của Nuiphao Mining, Nhóm trồng rừng thực hiện phủ xanh 60 ha trong khu vực dự án, sử dụng dịch vụ vệ sinh của Hợp tác xã Xây dựng và Vận tải Hà Thượng, cung cấp túi đựng quặng... Những việc làm cụ thể, thiết thực đó đang phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân bị thu hồi đất từng bước ổn định cuộc sống, chuyển đổi phương thức sản xuất mới thành công.
Ngay trước khi xuất xưởng những sản phẩm tinh quặng đầu tiên, đầu năm 2013, Nuiphao Mining đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư trao giấy chứng nhận và biểu tượng “Doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội và phát triển cộng đồng 2013”. Đây chính là nguồn khích lệ, động viên kịp thời cho NuiPhao Mining tiếp tục thực hiện thành công chiến lược phát triển sản xuất - kinh doanh hướng tới cộng đồng, xây dựng mô hình tiêu biểu về khai thác, chế biến khoáng sản trong khu vực và trên thế giới, góp phần đưa Thái Nguyên hoàn thành sớm các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa như kế hoạch đã đề ra.
Hoàng Nguyên