Ngành dệt may muốn phát triển bền vững phải đầu tư sản xuất xanh

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu, ngành dệt may Việt Nam buộc phải đầu tư theo sản xuất xanh. Mặt khác, việc xanh hóa dệt may là xu thế tất yếu, bắt buộc doanh nghiệp phải triển khai nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Chiều 6/9, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng các đơn vị tổ chức hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” nhằm tìm ra những giải pháp phát triển nền kinh tế xanh. 

Hiện nay, Việt Nam ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đều có các quy tắc, cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp, điều này bắt buộc các doanh nghiệp phải triển khai bằng việc đầu tư công nghệ sản xuất, tự động hóa, xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động, giúp tăng tính cạnh tranh đối với khách hàng và người tiêu dùng.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội rất lớn nhờ các FTA mà Chính phủ ký với các quốc gia trên thế giới. Trong 8 tháng năm 2023, toàn ngành xuất khẩu được 26,3 tỷ USD, riêng tháng 8 là 3,6 tỷ USD. Số liệu này cho thấy, thị trường toàn cầu bắt đầu nóng lên nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với ngành, đó là mô hình phát triển bền vững. 

Theo ông Vũ Đức Giang, cách đây 5 năm, ngành dệt may đã chịu nhiều áp lực từ thị trường xuất khẩu như: Áp lực đánh giá của nhãn hàng về thị trường xanh bền vững, khí thải, rác thải, môi trường làm việc và đặc biệt là các chứng chỉ an toàn cho sản phẩm vào thị trường khó tính như châu Âu hay Mỹ. Chính vì thế, đã có doanh nghiệp đầu tư hệ thống sản xuất xanh nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân khiến cho việc đầu tư sản xuất xanh còn hạn chế là do việc đầu tư cho phát triển xanh phải đi đường dài, cần nguồn vốn lớn nhưng tiềm lực tài chính của doanh nghiệp lại có hạn. Đó là chưa kể, trong ngành dệt may có rất nhiều doanh nghiệp chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, khả năng tiếp cận nguồn vốn, vì thế càng khó khăn hơn.

Để giải quyết những khó khăn trên, ông Giang cho rằng, trước mắt muốn phát triển bền vững ngành dệt may theo hướng "xanh hóa", đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại, đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường... nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể về quỹ đất, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, quỹ tài chính về môi trường... để các doanh nghiệp theo hướng xanh có thể tiếp cận quỹ, có nguồn tài chính thuận lợi, giá cả hợp lý hơn, từ đó đẩy nhanh quá trình đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Chú thích ảnh
Việc xanh hóa ngành dệt may là xu thế tất yếu của nước ta, bắt buộc doanh nghiệp phải triển khai nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia kinh tế, vốn cho phát triển xanh cũng là điều kiện cần cho các doanh nghiệp xanh hóa ngành dệt may. Tuy nhiên, trong lúc chờ chính sách mới về vốn ở trong nước, doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế. Bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý dự án công trình xanh và biến đổi khí hậu của Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới - WB) cho biết, các cơ hội tài chính xanh quốc tế cũng đang tiếp cận thị trường Việt Nam. Theo đó, các sản phẩm tài chính xanh còn giúp các ngân hàng tiếp cận nhiều nguồn vốn ưu đãi. Chẳng hạn như chương trình tăng cường thị trường xây dựng xanh (MAGC) do Chính phủ Anh hợp tác với IFC triển khai sẽ cung cấp tài chính ưu đãi qua các ngân hàng trung gian, từ đó thúc đẩy hoạt động xây dựng xanh tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

"Hiện nay, các khoản tín dụng xanh được cung cấp cho nhiều đối tượng người vay với phí vốn thấp,  điều khoản trả nợ có lợi. Hầu hết doanh nghiệp đều có thể tiếp cận các tín dụng xanh bằng cách tách chi tiêu cải thiện xanh khỏi chi tiêu chung. Ví dụ, có thể chia thành từng khoản cho việc lắp đặt thiết bị sưởi hoặc làm mát tiết kiệm năng lượng hơn", bà Đỗ Ngọc Diệp nói.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Kết nối cảng biển phát triển công nghiệp - Bài 2: Cơ cấu công nghiệp gắn với cảng biển
Kết nối cảng biển phát triển công nghiệp - Bài 2: Cơ cấu công nghiệp gắn với cảng biển

Theo quy hoạch, Bà Rịa - Vũng Tàu có hệ thống cầu cảng biển nước sâu dài gần 20 km, được xếp loại đặc biệt quốc gia, là cửa ngõ hướng ra biển Đông của Đông Nam bộ và khu vực phía Nam. Với lợi thế này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang thực hiện cơ cấu ngành công nghiệp gắn với các lợi thế về cảng biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN