Ông Ngô Văn Vinh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Thừa Thiên Huế, cho biết: Đến cuối tháng 5/2012 tổng dư nợ của tất cả các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt hơn 13.000 tỷ đồng trong tổng vốn huy động 16.000 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ các ngân hàng đang thừa vốn, chứ không có chuyện ngân hàng không muốn cho vay.
Vốn thừa, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được. Ảnh Đình Huệ - TTXVN |
Chủ trương của NHNN là tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp (DN) được tiếp cận nguồn vốn vay. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có nhiều DN không tiếp cận được nguồn vốn vay. Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 4.864 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh. Trong đó, có 3.200 DN đang hoạt động, chiếm 65,8%, và 1.664 DN đang nghỉ kinh doanh (chiếm 34,2%) với nhiều lý do; riêng DN phải nghỉ kinh doanh do thiếu vốn chiếm 26,7%.
Khó khăn nhất hiện nay là các DN thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB), sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), vì đây đều là các DN vay ngân hàng nhiều so với khả năng trả nợ. Một số DN đã đến giai đoạn quá khó khăn, không thể tiếp tục hoạt động, nhưng cũng không thể "chết" một cách chính thức bằng con đường phá sản theo Luật Phá sản, đang gây ảnh hưởng xấu đến dư luận và lan rộng đến môi trường kinh doanh. Đây đều là các lĩnh vực cần vốn lớn, nhưng việc vay vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Mậu Chi, Tổng giám đốc Công ty TNHH bia Huế, kiêm chủ tịch Hội DN Thừa Thiên - Huế, các DN thuộc các lĩnh vực XDCB hoặc sản xuất VLXD, nếu mất khả năng trả nợ sẽ ảnh hưởng trực tiếp và kéo theo khó khăn cho các ngân hàng, cho nên các ngân hàng cũng không "mặn mà" gì với việc cho vay đối với các DN thuộc các lĩnh vực sản xuất đã nêu.
Trước mắt, để gỡ khó, các DN này cần phải có bàn bạc thỏa thuận các giải pháp với phía các ngân hàng khi tiếp cận vồn vay. Còn ông Trần Xuân Lãng, Giám đốc Ngân hàng Eximbank Huế đề nghị, các DN và các ngân hàng thương mại cùng ngồi lại với nhau để bàn thật kỹ các phương án tái cơ cấu của DN mình, trong đó có sự tham dự của cả NHNN và lãnh đạo tỉnh thì mới tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN như hiện nay.
Theo đại diện Công ty TNHH nhà nước một thành viên xây dựng và cấp nước Thừa Thiên - Huế, trong tổng số gần 67 tỷ đồng tổng vốn đầu tư cho toàn dự án xây dựng hệ thống cấp nước thị trấn Phú Lộc và 5 xã phụ cận, thì ngoài vốn ngân sách và vốn vay Tổ chức JICA (Nhật Bản), còn lại số tiền vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam 23 tỷ đồng đến nay vẫn chưa được giải ngân mặc dù đơn vị đã hoàn tất các thủ tục cần thiết, gây ảnh hưởng không nhỏ trong kế hoạch cấp nước cho người dân.
Bên cạnh đó, việc triển khai dự án cấp nước cho khu du lịch Laguna (Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô) cũng gặp không ít trở ngại do đơn vị không tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Quốc Việt