Tuy mới đi vào sản xuất, nhưng Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Nuiphao Mining) đã được biết đến như một doanh nghiệp khai khoáng hàng đầu của cả nước. Dấu ấn của Nuiphao Mining tại tỉnh Thái Nguyên không chỉ về quy mô nguồn vốn mà còn thể hiện ở cách thức mới trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp, xây dựng văn hóa ứng xử đối với cộng đồng, môi trường…
Thân thiện với cộng đồngĐứng trên bờ mương của cánh đồng xóm 4, xã Hà Thượng, trưởng xóm Nguyễn Thị Tường chia sẻ: “Xóm 4 có hơn 100 hộ với trên 300 nhân khẩu, hiện tại cả xóm chỉ còn hơn 4 ha đất sản xuất. Do diện tích đất sản xuất của xóm ở sát ngay cạnh khu vực nhà máy của Nuiphao Mining (trong thời gian tới cũng sẽ được thu hồi) nên cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi nhận được phản ánh của người dân, phía Công ty đã chủ động kết hợp cùng chính quyền xã để tháo gỡ những vướng mắc của người dân. Trước khi chính thức đi vào sản xuất, Nuiphao Mining đã thực hiện cơ chế hỗ trợ sản lượng cho bà con trong cả 2 vụ trong năm. Bà con trong xóm thấy sự hỗ trợ như vậy là hợp lý. Hiện cánh đồng 4 mẫu của bà con đang bị mất nước do đường mương đã bị lấp, Công ty Nuiphao Mining đã cử cán bộ xuống đánh giá, thi công lại đường mương giúp bà con có nước kịp thời để canh tác…”.
Cán bộ phòng Môi trường lấy mẫu nước quan trắc. |
Chị Phan Thị Hồng Hải, cán bộ khuyến nông xã Hà Thượng cho biết: là một trong những xã bị ảnh hưởng nhiều của Dự án Núi Pháo, thế nhưng việc tiến hành sản xuất tại các xóm vẫn không có nhiều xáo trộn, cuộc sống của bà con khá ổn định bởi các phương án hỗ trợ của doanh nghiệp rất hợp lý, nhất là tại các xóm: 6, 7, 8, 9…
Theo lãnh đạo Nuiphao Mining, các kiến nghị, phản ánh của người dân được gửi đến Công ty đều được xem xét, giải quyết. Nuiphao Mining luôn tổ chức đánh giá thực địa theo nội dung kiến nghị với sự tham gia của đại diện UBND xã, trưởng xóm, đại diện hộ dân… Các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Công ty với các hộ dân cũng thường xuyên được tổ chức, qua đó các vướng mắc của cộng đồng dân cư vùng dự án được Công ty nắm bắt kịp thời và có các giải pháp tích cực. Hiện tại, giữa Công ty và đại diện cơ sở xóm 3, xóm 4 (là các xóm liền kề khu vực nhà máy khai thác) duy trì triển khai các cuộc họp giao ban hàng tuần nhằm chia sẻ, lắng nghe phản ánh các mối quan tâm, thắc mắc của người dân.
Bên cạnh đó, Nuiphao Mining đã triển khai hàng loạt các chương trình, dự án giúp cho người dân vùng ảnh hưởng ổn định cuộc sống, tiêu biểu như: hỗ trợ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap, xây dựng dịch vụ cung ứng địa phương, đào tạo nghề tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, hỗ trợ vốn cho người dân phát triển chăn nuôi, trồng chè, kinh doanh nhỏ... Chỉ tính riêng trong năm qua, Nuiphao Mining đã đầu tư hơn 250.000 USD (trên 5 tỷ đồng) cho chương trình phục hồi kinh tế, phát triển cộng đồng cho người dân vùng bị ảnh hưởng.
Nỗ lực bảo vệ môi trườngNgay từ khi nhận chuyển giao và tái khởi động Dự án Pháo, Nuiphao Mining đã xác định rõ mục tiêu chủ đạo của doanh nghiệp là bảo đảm thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực ảnh hưởng tới cộng đồng. Từ khi tái khởi động dự án (năm 2010) đến nay, Nuiphao Mining đã xây dựng 11 báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) khác nhau. Các báo cáo ĐTM đều được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và giám sát chặt chẽ theo đúng quy định. Trong quá trình vận hành thử nghiệm Nhà máy chế biến khoáng sản, Nuiphao Mining tự chủ động giám sát, đánh giá các sự cố môi trường, nhất là việc kiểm soát nước thải, tiếng ồn, bụi, lưu lượng khai thác nước ngầm...
Trong thời gian vừa qua người dân gần khu vực nhà máy có một số kiến nghị liên quan đến nguồn nước thải của Công ty gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân. Sau khi nhận được kiến nghị của người dân, Bộ TN-MT, Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra, đánh giá thực tế. Kết quả kiểm tra cho thấy, chất lượng nước xả thải của Nuiphao Mining đều đạt tiêu chuẩn nước xả thải công nghiệp. Trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, ở một số thời điểm, Công ty gặp một số sự cố trong quá trình sản xuất nên một số chỉ tiêu (Flo) trong nước thải vượt tiêu chuẩn. Ngay lập tức NPM đã ngừng xả thải, báo cáo tới cơ quan quản lý nhà nước và áp dụng một số biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng nước xả thải đã quy định trong giấy phép xả thải số 927/GP-BTNMT được Bộ TNMT cấp ngày 22 tháng 5 năm 2014.
Ngoài ra, công ty còn xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng nước nghiêm ngặt không chỉ trong khu vực dự án mà còn tại nhiều vị trí quanh khu vực cộng đồng địa phương để có đánh giá kịp thời và chính xác. Hiện nay, tại điểm xả thải DP1 (xóm 3, xóm 4 xã Hà Thượng) công ty đã thử nghiệm thành công phương pháp làm trong nước và khử mùi trong nước thải. Qua đánh giá, phân tích trong thời gian vừa qua cho thấy, chất lượng nước thải ngày càng tốt hơn. Công ty luôn cam kết chỉ xả nước thải đạt tiêu chuẩn ra môi trường.
Đối với các hộ dân khu vực ảnh hưởng tiếng ồn từ nhà máy (xóm 3, xóm 4 xã Hà Thượng) khi chưa hoàn thiện công tác bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, Công ty đã hỗ trợ tiền tạm cư cho các hộ tạm thời di chuyển đến nơi ở mới để không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của dân. Ông Vũ Hồng - Phó Tổng giám đốc Nuiphao Mining cho biết: Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân về tác động của dự án đối với môi trường, cuộc sống người dân vùng lân cận nhà máy, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương xem xét, khắc phục, xử lý kịp thời. Trước mắt, tại các vùng ngay sát khu vực Nhà máy chế biến, Công ty thực hiện giải pháp hỗ trợ, đền bù sản lượng đối với diện tích đất sản xuất được ghi nhận là có ảnh hưởng. Tuy nhiên đây chỉ là các giải pháp ngắn hạn, còn về lâu dài, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường thì Công ty sẽ cùng với chính quyền địa phương tiến hành đền bù, di dời những hộ dân trong khu vực vùng lân cận Nhà máy đến nơi ở mới theo phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được tỉnh Thái Nguyên phê duyệt...
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, thực tế hiện nay, tại khu vực xóm 3 và xóm 4 xã Hà Thượng - khu vực lân cận Nhà máy chế biến khoáng sản của Nuiphao Mining nhiều hộ đã xây dựng các công trình "đón" đền bù. Điều này không chỉ cản trở việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng theo dự án tổng thể đã được phê duyệt mà còn gây ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, mất ổn định ở địa phương. Những nỗ lực đảm bảo môi trường, phát triển bền vững của doanh nghiệp vì thế cũng rất cần sự chung tay, hợp tác của người dân vùng bị ảnh hưởng cũng như các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp.
Trong năm 2013 và 2014, Nuiphao Mining đã thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường, chống xói lở trong khu vực nhà máy và các khu vực phụ trợ khác nhằm giảm thiểu các tác động đến cộng đồng xung quanh. Ngoài ra Công ty còn thực hiện chương trình trồng rừng cải tạo môi trường tại các khu vực ít ảnh hưởng bởi dự án với tổng diện tích là trên 47 ha. Năm 2014, Nuiphao Mining tiếp tục đầu tư và xây dựng thêm 10 trạm quan trắc thủy văn để quan trắc dòng chảy nhằm hỗ trợ công tác quản lý nước, thực hiện chương trình quan trắc môi trường có sự tham gia của cộng đồng địa phương nhằm đảm bảo tính minh bạch trong đánh giá chất lượng môi trường... |
PV