Kịch bản nào cho thị trường viễn thông Việt Nam?

Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) đã tiếp quản Viễn thông điện lực (EVN Telecom) từ tháng 1/2012; thương hiệu Beeline sẽ không còn ở Việt Nam trong tháng tới;


 

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh VNPT.

 

S-Fone (Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn) đang “thoi thóp” chờ chuyển đổi công nghệ khiến người dân lo ngại sự “độc quyền” trở lại của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) như nhiều năm trước hay sự “thống trị” mới của Viettel...

 

Tuy nhiên, tại Tọa đàm "Kịch bản nào cho thị trường viễn thông Việt Nam?” do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức chiều 12/9, ông Phạm Hồng Hải - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông) khẳng định: Xảy ra hiện tượng trên cũng là điều bình thường. Đây là bước tiếp theo để thị trường viễn thông phát triển bền vững hơn.

 

Chuyển đổi để “sống”


Chỉ ít thời gian ngắn ngủi nữa, người dân sẽ không còn nhìn thấy thương hiệu Beeline với 2 gam màu đặc trưng đáng nhớ là vàng, đen bởi cách đây gần 5 tháng, Tập đoàn VimpelCom (Nga) đã tuyên bố hoàn tất thỏa thuận bán toàn bộ số cổ phần tại Việt Nam 49% cho đối tác là Công ty Cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel Mobile). Theo đó, VimpelCom sẽ chấm dứt mọi trách nhiệm và quyền lợi đối với Beeline.


Theo Gtel Mobile, thời hạn sử dụng thương hiệu Beeline của đối tác một thời là VimpelCom sẽ chấm dứt trong tháng 10/2012. Đến nay, hãng đã hoàn thành cơ bản kế hoạch chuyển đổi thương hiệu mới. Dự kiến, một hoặc hai tuần tới, Gtel Mobile sẽ công bố tên mạng viễn thông thay thế cho Beeline. Đại diện nhà mạng khẳng định: Khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng gì từ việc giữ nguyên dải số cho đến việc hưởng các gói cước, khuyến mại.


Trong khi EVN Telecom đang yên vị nằm trong “ông lớn” Viettel thì S - Fone phải sống "lay lắt" với công nghệ CDMA cũ không còn phù hợp. Vì vậy, S - Fone đang triển khai mạng mới đi theo công nghệ 3G WCDMA (theo sự cho phép chuyển đổi của Bộ TT - TT vào tháng 3/2012). Do trong quá trình phải lên kế hoạch đầu tư mới để trình lên hội đồng quản trị nên hoạt động kinh doanh của S - Fone đã phải thu hẹp lại, một số trung tâm của S - Fone phải đóng cửa.


Theo S - Fone, quá trình xin giấy phép chuyển sang công nghệ mới kéo dài nên phải đến cuối năm nay và chậm nhất là đầu năm 2013, mạng mới của S - Fone mới có thể triển khai được. Riêng đối với các thuê bao S - Fone, công ty vẫn lưu lại dữ liệu của toàn bộ khách hàng, khi chuyển sang mạng mới sẽ tiến hành chuyển đổi cho khách hàng. “S - Fone sẽ đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, không để khách hàng thiệt thòi”, phía S - Fone cam kết.

 

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh


Xu hướng sáp nhập doanh nghiệp, thoái vốn hay chuyển đổi mô hình kinh doanh, công nghệ đã được giới chuyên gia viễn thông dự báo từ lâu. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia phải đến năm 2020. Theo đó, đối với mỗi thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng như di động, Internet băng rộng, cố định đường dài và quốc tế phải có ít nhất 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để đảm bảo cạnh tranh.


Như vậy, trước mắt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 sẽ là cơ sở quan trọng trong việc tái cơ cấu VNPT và liên quan đến việc có sáp nhập hai mạng di động VinaPhone và MobiFone hay không? Đây là vấn đề mà dư luận rất quan tâm bởi nếu sáp nhập VinaPhone và MobiFone lại sẽ tạo ra thị trường di động nằm trong tay hai "đại gia" Viettel và VNPT với tổng thị phần là 95%. Tuy nhiên đến nay, câu hỏi này vẫn chưa có lời đáp.


Cũng theo ông Hải, VNPT đã đề xuất lên Bộ TT - TT để báo cáo các bộ, ngành liên quan đề nghị cho sáp nhập VinaPhone, MobiFone. Hiện, Bộ TT - TT đang nghiên cứu việc tách hay nhập và chưa có quyết định cuối cùng. Liên quan tới vấn đề này, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, không nên sáp nhập hai doanh nghiệp này vì phải xem xét lại Luật Cạnh tranh. Ngoài ra, trong bối cảnh tái cấu trúc doanh nghiệp, việc sáp nhập sẽ là tín hiệu xấu.


“Hiện, Cục Viễn thông được giao xem xét đề xuất của VNPT và đang nghiên cứu, phân tích việc nhập hay tách có tác động thế nào đến thị trường. Việc tách hay nhập đều có ưu, nhược điểm riêng khi xét trên bức tranh kinh doanh của VNPT hiện nay. Song song với việc tách/nhập thì cần phải có chính sách đi kèm để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Quan điểm của Cục Viễn thông là phải duy trì ít nhất 3 doanh nghiệp tương đương nhau trên thị trường viễn thông”, ông Hải nói.


Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN