Phần lớn phần vốn vay tập trung phát triển đối với 5 ngành hàng chủ lực như hàng lúa gạo, xoài, vịt, cá tra và hoa kiểng. Đối với ngành hàng lúa gạo, cho vay thu mua lúa gạo xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đạt hơn 3.000 tỷ đồng; cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đạt hơn 353 tỷ đồng. Đối ngành hàng cá tra, dư nợ cho vay nhiều nhất đạt gần 8.000 tỷ đồng...
Vừa qua tỉnh Đồng Tháp còn có chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp. Thực hiện chương trình cho vay thí điểm 1 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với lúa gạo của Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Lộc Anh với số tiền cho vay 102 tỷ đồng, kế đến là Công ty Lương thực Đồng Tháp; Vụ Đông Xuân 2015-2016 Hợp tác xã Tân Cường ở huyện Tam Nông được vay thí điểm hơn 590 triệu đồng để mua hơn 2.000 tấn gạo tạm trữ.
Hiện nay tỉnh Đồng Tháp có 16 dự án của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh sản xuất kinh doanh các ngành hàng chủ lực như lúa gạo, thủy sản được các tổ chức tín dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long cam kết tiếp tục cho vay hơn 11.000 tỷ đồng.
Với sự hỗ trợ vốn vay của các ngân hàng đã góp phần giúp cho tỉnh Đồng Tháp thắng lợi trên mặt sản xuất nông nghiệp, hằng năm sản xuất hơn 500.000 ha lúa, hơn 29.000 ha hoa màu các loại, gần 24.000 ha cây ăn trái và hơn 660 ha hoa kiểng; xuất khẩu gạo hơn 284.000 tấn. Sản lượng lúa hơn 3,3 triệu tấn đứng hàng thứ hai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau An Giang…