Theo ông Long, việc giá thép tăng là do thời gian qua giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than tăng. Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch cũng giúp hoạt động xây dựng được đẩy mạnh và nhu cầu thép tăng.
"Về cơ bản, kiến nghị kiểm tra của Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng là bình thường và điều này không ảnh hưởng đến Hòa Phát. Nếu việc kiểm tra không phát hiện điều gì bất thường như độc quyền thị trường thì cũng không có vấn đề gì đến doanh nghiệp", ông Long cho biết.
Trước đó, hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) kiến nghị Văn phòng Chính phủ có những biện pháp bảo vệ các nhà thầu xây dựng Việt Nam trong nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản vì tình hình giá thép tăng đột biến một cách phi mã trong quý I/2021, đặc biệt là những ngày tháng 4 này.
Cụ thể, theo VACC giá thép Việt Mỹ giá bán ở thời điểm quý IV/2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện nay giá bán loại thép này tại Đà Nẵng thông báo là 18.370 đồng/kg, tăng 40%.
Trong khi đó giá thép công bố của Sở Xây dựng Đà Nẵng thông báo cho các nhà thầu áp dụng trong thanh quyết toán cũng là 13.805 đồng/kg.
Không riêng thép Việt Mỹ mà tất cả thương hiệu thép cũng đồng loạt tăng giá từ 30-40% so với giá cuối quý IV/2020.
VACC cho rằng, các nhà thầu xây dựng Việt Nam gặp phải những khó khăn không cách nào tháo gỡ vì các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng có giá trị cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng) nên các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt lớn này.
Mặc dù từ đầu tháng 1/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 389 nhắc các bộ, ngành xử lý vấn đề này. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có phản hồi mà tình hình thì càng phức tạp hơn, giá thép tiếp tục tăng.