Đường sắt Việt Nam có tổng chiều dài trên 3.000 km, đi qua 34 tỉnh, thành phố, 147 quận, huyện, thị xã và 757 xã, phường, thị trấn… Trong những năm qua, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp cùng chính quyền địa phương các cấp, cơ quan chức năng, các ngành triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến biện pháp bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt (HLATGTĐS), tổ chức xử lý, giải tỏa nhiều điểm, công trình vi phạm HLATGTĐS nhưng tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm HLATGTĐS, phạm vi bảo vệ đường sắt vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt ở các thành phố lớn và các khu dân cư đông…
Thực trạng vi phạm ATGTĐS
Vi phạm HLATGTĐS, phạm vi bảo vệ đường sắt chủ yếu là lấn chiếm HLATGTĐS làm (mở) lối đi (đường ngang) qua đường sắt trái phép, bất hợp pháp, xây nhà, cửa hàng, làm công trình phụ, lều quán, họp chợ trên đường sắt… làm che khuất, giảm tầm nhìn của lái tàu cũng như người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, xe máy…), đe dọa nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên đường sắt.
Tính đến 1/1/2012, trên các tuyến đường sắt có tổng số 3.073 điểm vi phạm, lấn chiếm HLATGTĐS. Theo số liệu của Ban Thanh tra ĐS I (Cục ĐSVN), chỉ 25 km đường sắt chạy qua thành phố Hải Phòng nhưng có tới 223.000 m2 (công trình, nhà cửa, lều quán, cửa hàng…) vi phạm HLATGTĐS. 111.500 m2 của hàng nghìn hộ dân xây nhà kiên cố và gần 111.500 m2 đất trong HLATGTĐS bị các doanh nghiệp, hộ dân chiếm dụng làm kho hàng, bãi tập kết hàng hóa, vật liệu xây dựng…
Thậm chí, có hơn 100 ngôi nhà xây kiên cố, đổ bê tông. Tình trạng vi phạm HLATGTĐS là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt (TNGTĐS). Qua số liệu thống kê, theo dõi, cho thấy: 70% các vụ TNGTĐS là do tầm nhìn lái tàu bị hạn chế hoặc bị che khuất do các công trình nhà cửa, cây cối… vi phạm HLATGTĐS.
Tình trạng vi phạm HLATGTĐS là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đường sắt. Ảnh: Lê Phú |
Tuyến đường sắt đi qua thành phố Hà Nội với gần 200 đường ngang mở trái phép, bất hợp pháp mới thấy thực trạng lấn chiếm HLATGTĐS hiện nay đang hết sức phức tạp. Đoạn đường sắt chạy qua đường Lê Duẩn, Khâm Thiên, qua Bệnh viện Bạch Mai, đoạn qua huyện Thường Tín, Phú Xuyên hiện đã bị nhiều công trình, nhà dân, chợ, cửa hàng… lấn chiếm HLATGTĐS.
Nhằm hạn chế TNGTĐS, ngăn chặn nguy cơ ô tô, xe máy… lao lên đường sắt; trên địa bàn huyện Thường Tín, ngành đường sắt đã cho làm hàng rào hộ lan bằng tôn sóng (ngăn cách cứng giữa đường bộ và đường sắt) nhưng nhiều gia đình, cửa hàng… phản ứng quyết liệt mặc dù trước khi lắp đặt hàng rào hộ lan, ngành đường sắt đã cho khảo sát, làm lối đi, đường gom… tại những vị trí thuận tiện, an toàn cho người dân, xe cộ qua đường sắt nhưng những hộ dân, chủ cửa hàng vẫn cố tình “bỏ qua” đường gom và tự ý tháo dỡ hàng rào hộ lan để đi lại qua đường sắt cho “tiện”.
Tình trạng tháo bỏ hàng rào hộ lan đã dẫn tới gia tăng tai nạn trên đường sắt. Thêm vào đó, việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương đã dẫn đến tình trạng vi phạm, tái lấn chiếm HLATGTĐS nghiêm trọng; trong khi đó, TNGTĐS hiện nay chủ yếu là do người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt gây ra trên đường sắt.
Trước thực trạng vi phạm HLATGTĐS trên địa bàn huyện Thanh Trì; để giảm thiểu TNGT, sau nhiều lần họp bàn với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương; tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích… trong nhân dân; tháng 10/2010, ĐSVN tổ chức làm đường gom, đóng 20 đường ngang bất hợp pháp và làm hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với đường liên xã từ km 11+325 đến km 11+850 địa bàn thuộc xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì - Hà Nội).
Tháng 1/2011 công trình 525 mét hàng rào ngăn cách đường sắt với đường bộ đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng đường gom; đồng thời, đóng hoàn toàn 20 đường ngang dân sinh trái phép từ km 11+325 đến km 11+850.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đã có hơn 10 vị trí hàng rào bị cắt, tháo… để làm đường đi lại, vận chuyển hàng hóa... qua đường sắt. Hàng rào ngăn cách thì được những hộ dân, chủ cửa hàng… sống ven đường sắt “tận dụng” làm chỗ phơi quần áo, chăn chiếu, lắp biển quảng cáo, đèn nháy… làm lấp tầm nhìn lái tàu, khó khăn trong công tác theo dõi, quan sát tín hiệu, quan sát đường sắt của ban lái tàu; trong khi đó, suốt dọc 525 mét hàng rào nhiều chỗ đã bị cắt, tháo… để làm đường đi qua đường sắt, nguy cơ xảy ra TNGT tại khu vực này vẫn còn tiềm ẩn cao.
Toàn tuyến ĐSVN hiện có tổng chiều dài 3.143 km gồm 15 tuyến chính và các tuyến đường nhánh. Hiện tại có hơn 6.300 đường ngang; trong đó có 1.541 đường ngang hợp pháp, có rào chắn và gần 5.000 đường ngang trái phép, bất hợp pháp. Tính bình quân, cứ 400 mét đường sắt lại có một đường ngang; riêng trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Nam Định, địa bàn huyện Thường Tín, huyện Thanh Trì (Hà Nội) trung bình 100 mét đường sắt lại có một đường ngang.
Khoảng 86% đường ngang trái phép tầm nhìn bị hạn chế, có độ dốc… nên thường xuyên gây nguy hiểm cho người và các phương tiện giao thông khi qua đường sắt. Điển hình như trên địa bàn Hà Nội, chỉ với 15 km đường sắt tuyến Bắc- Nam từ ga Hà Nội đến xã Nhị Khê (huyện Thường Tín) đã có tới 327 đường ngang. Trong 327 đường ngang thì có tới 273 đường ngang trái phép.
Như vậy, tính trung bình trên mỗi km đường sắt có tới 22 đường ngang. Tuyến đường sắt Gia Lâm- Hải Phòng khu đoạn từ ga Dụ Nghĩa đến ga Vật Cách hiện đang tồn tại trên 50 đường ngang trái phép. Từ ga Vật Cách đến ga Thượng Lý có gần 50 đường ngang. Từ ga Thượng Lý đến ga Hải Phòng có gần 70 đường ngang. Trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 39,4 km, bao gồm 31,2 km đường sắt Bắc- Nam và 8,2 km đường sắt chuyên dùng từ ga Phủ Lý đến ga Thịnh Châu (thị trấn Kiện Khê - huyện Thanh Liêm).
Trên tổng số gần 40 km đường sắt có tới 327 đường ngang, trong đó có tới 300 đường ngang trái phép. Trung bình, cứ 100 mét đường sắt có một đường ngang trái phép. Trong khi đó, mật độ chạy tàu qua địa bàn tỉnh Hà Nam là trên 30 chuyến tàu/ngày.
Giải pháp lâu dài
Để hạn chế TNGTĐS, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là phải lập lại trật tự HLATGTĐS trong quy hoạch. Một trong những giải pháp được đề ra là cải tạo, nâng cấp các đường ngang. Ngày 24/8/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP về “Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông”. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua chủ động phối hợp với ĐSVN tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch lập lại trật tự HLATGTĐS theo Quyết định 1856/QĐ–TTg của Thủ tướng Chính phủ; cương quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép, chủ động lập kế hoạch và lộ trình cụ thể để xóa bỏ các đường ngang trái phép.
Trong thời gian chờ xóa bỏ, UBND các tỉnh, thành phố phải tổ chức người cảnh giới tại các vị trí đường ngang có nguy cơ cao xảy ra TNGT… Theo số liệu của Thanh tra Cục ĐSVN, tính đến ngày 1/10/2012, Ban ATGT các tỉnh, thành phố đã bố trí 42 vị trí chốt gác cảnh giới; 21 điểm đã được các Công ty QLĐS (ĐSVN) bố trí nhân viên trực cảnh giới tại các đường ngang có nguy cơ cao xảy ra TNGT. Hiện còn 158 điểm đang được tiếp tục triển khai.
Để giảm thiểu TNGTĐS, rất cần thực hiện hiệu quả các công trình, dự án bảo đảm an toàn giao thông đường sắt; đặc biệt các dự án thuộc giai đoạn II, giai đoạn III Quyết định 1856/QĐ–TTg. Triển khai cắm mốc giới hạn HLATGTĐS theo quy định của Luật Đường sắt. Khẩn trương, tiếp tục triển khai công tác cảnh giới tại các đường ngang theo Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ. Có như vậy TNGTĐS tại các đường ngang mới giảm; công tác tổ chức chạy tàu của ĐSVN mới bảo đảm an toàn.
Thành Hiển