Ông Vưu Văn Út, Giám đốc Xí nghiệp đường Cà Mau cho biết: Mặc dù, 9.500 tấn đường của xí nghiệp đã được tiêu thụ hết tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng giá bán bị sụt giảm từ 14.000đồng/kg xuống còn 13.000đồng/kg. Đường "rớt giá" nhưng lượng tồn kho lớn nên xí nghiệp đành phải chấp nhận bán để có tiền trả nợ ngân hàng. Vùng mía nguyên liệu do Xí nghiệp đường Cà Mau đầu tư. Ảnh: baocamau.com.vn |
Xí nghiệp đường Cà Mau cũng đã tạm ngừng hoạt động trong vài ngày qua, vì không đủ nguồn nguyên liệu. Vụ sản xuất 2012-2013, Xí nghiệp đề ra kế hoạch thu mua 120.000 tấn mía, thế nhưng sản lượng thu mua chỉ đạt 95%, kéo theo sản lượng đường không đạt chỉ tiêu 10.200 tấn.
Do đường khó tiêu thụ và giá cả bị sụt giảm mạnh, nên sản xuất không có lãi. Hệ lụy kéo theo là giá thu mua mía nguyên liệu của nông dân thấp, khiến nhiều hộ nông dân ở Cà Mau không còn tha thiết với nghề trồng mía, một số hộ đã chuyển diện tích đất trồng mía sang trồng màu, cây ăn trái, nuôi cá để có thu nhập khá hơn.
Để có nguyên liệu sản xuất đường, nhà máy khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng mía bằng cách hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng mía, phân bón, cung cấp các loại giống mía chất lượng ; đồng thời ký kết hợp đồng thu mua 100% mía nguyên liệu của bà con nông dân.
Tuy nhiên, đúng như ông Vưu Văn Út, Giám đốc Xí nghiệp đường Cà Mau cho biết, việc ấn định giá thu mua mía nguyên liệu của nông dân sẽ còn tùy thuộc vào giá cả thị trường. Nếu như Xí nghiệp làm ăn có được lãi thì giá thu mua mía nguyên liệu của nông dân mới được cải thiện.
Kim Há