Du lịch gôn: ‘Mỏ kim cương’ của ngành kinh tế xanh

Gôn luôn được xem là một trong những môn thể thao quyến rũ nhất hành tinh. Du nhập vào Việt Nam chưa lâu, nhưng tốc độ phát triển gôn tại “đất nước hình chữ S” được đánh giá là nhanh, mạnh nhất thế giới. Và du lịch gôn đang được xem là “mỏ kim cương”, “kho báu”, “con gà đẻ trứng vàng” để ngành kinh tế xanh Việt Nam phục hồi, bứt phá, “né” bẫy thu nhập trung bình, hậu COVID-19.

Nơi gôn “khai sinh”

Nhẹ nhàng nhưng đẳng cấp, chậm rãi nhưng bền bỉ, mạnh mẽ uyển chuyển, ung dung trên những thảm cỏ xanh ngút ngàn, gôn luôn coi là môn thể thao có sức hút đặc biệt.

Là một gôn thủ, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ: “Chơi gôn rất ham. Ham vì đi ngoài trời, tinh thần rất thoải mái, sảng khoái. Nếu chơi 18 lỗ thì thông thường người chơi phải mất 5 tiếng đồng hồ, tính ra phải đi bộ khoảng 10km/trận. Không khí thì rất trong lành, yên tĩnh nên giải tỏa được những căng thẳng. Môn gôn cũng đòi hỏi người chơi phải tập trung thành thử giải tỏa được tâm lý. Thứ nữa là chơi gôn không có tính đối kháng mà chỉ chơi với nhau nên tính gắn kết bạn bè rất cao. Lúc mệt đi chơi thì thấy khỏe ra rất nhiều. Đấy là những thứ hấp dẫn của gôn”.

Môn gôn lần đầu tiên được công nhận là trò giải trí vào những năm 1920 tại Hà Lan. Tuy nhiên, môn thể thao tinh hoa này lại bắt nguồn từ Scotland và phổ biến tại đây vào thế kỷ XV. Năm 1744, khi “Hiệp hội Gôn danh dự Edinburg” ra đời tại Scotland, gôn thực sự bùng nổ mạnh mẽ. Đây là dấu mốc quan trọng, khởi đầu cho sự ra đời hàng loạt hiệp hội, câu lạc bộ (CLB) gôn, trong đó Hiệp hội Gôn thánh Andrews ra đời vào năm 1754, sau này trở thành CLB gôn Hoàng Gia (R&A).

Chú thích ảnh
Vẻ đẹp sân Nicklaus Course tại BRG Đà Nẵng Golf Resort.

Năm 1895, các tay Gôn nữ đầu tiên thành lập CLB khiến cho nam giới bị mất thế “độc quyền”. Cuối năm 1888 mới chỉ có 138 CLB tại Anh Quốc, nhưng năm 1914 đã có 1801 CLB. Môn gôn cũng đã lan truyền ra khắp thế giới trong giai đoạn này, với hàng loạt CLB gôn ở Mỹ, Canada, Malaysia, Hong Kong, Australia,… được “khai sinh”. Nhất là sự ra đời của Liên đoàn gôn Hoa Kỳ (USGA) vào năm 1894.

Hiện nay, môn gôn vẫn tiếp tục nằm dưới sự chi phối chung của hai tổ chức R&A và USGA.

Gôn - một ngành công nghiệp doanh thu “khủng”

Gôn vừa là một bộ môn thể thao vừa là một hoạt động giải trí thú vị và cũng là một ngành công nghiệp mang lại doanh thu “khủng”. Bộ môn này đang được thúc đẩy mạnh hơn nhờ được đưa vào Thế vận hội Mùa hè 2016 tại Rio de Janeiro, Brasil và gần đây nhất là thế vận hội Olympic diễn ra tại Nhật Bản năm 2021.

Theo cuốn sách “Golf Tourism” của Louise Hudson và Simon Hudson, gôn đại diện cho thị trường du lịch liên quan đến thể thao lớn nhất. Du lịch gôn có giá trị tới 20 tỷ USD, với hơn 50 triệu khách du lịch chơi gôn, trong ước tính khoảng 32.000 sân gôn trên thế giới.

“Cá mập trắng” Greg Norman nhận định, các sân gôn đã trở thành điểm hấp dẫn cho một điểm đến du lịch. Du khách của du lịch gôn thường có mức chi tiêu trung bình cao hơn so với các khách du lịch thuộc các loại hình khác. Bên cạnh đó, các sân gôn thường dễ thu hút đầu tư du lịch, cải thiện việc làm, cũng như khả năng cạnh tranh trong khu vực và bù đắp cho đặc tính theo mùa của du lịch truyền thống. Do đó các nhà chức trách thuộc Chính phủ nhiều nước và khu vực tỏ ra rất quan tâm đến việc đưa gôn vào kế hoạch phát triển du lịch, trong đó có Việt Nam.

Thực tế, du lịch gôn không còn mới lạ nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Báo cáo Kinh tế Gôn Hoa Kỳ được Tổ chức We Are Golf công bố năm 2016, gôn đã trực tiếp mang về 84,1 tỷ USD cho nền kinh tế Hoa Kỳ, tăng 22% so với năm 2011. Con số này lên tới 191,9 tỷ USD nếu tính cả nguồn thu gián tiếp và những tác động kinh tế gôn mang lại.

Chi tiêu du lịch gôn tại “đất nước cờ hoa” đạt 25,7 tỷ USD, tổng thu nhập từ việc xây dựng bất động sản cho các cộng đồng gôn là 7,2 tỷ USD. Gôn đã tạo ra gần 2 triệu việc làm và 58,7 tỷ USD tiền lương cho toàn bộ lao động ngành này.

Ngay sau Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh là nước có ngành dịch vụ gôn mạnh thứ 2 thế giới. Năm 2016, tại đây các gôn thủ chi tổng cộng 4,3 tỷ bảng Anh (tương đương 5,6 tỷ USD), chiếm 14% tổng chi tiêu cho thể thao tại đây. Nếu tính cả nguồn thu gián tiếp, gôn mang về cho nền kinh tế Anh xấp xỉ 10,3 tỷ bảng Anh mỗi năm (khoảng 13,42 tỷ USD). Đồng thời, tạo ra 75.000 việc làm và mang về 775 triệu bảng Anh hằng năm cho ngành du lịch nước này. Gôn cũng là môn thể thao duy nhất đạt chỉ tiêu chiến lược phát triển kinh tế do Chính phủ Anh đề ra.

“Cuộc đua” ở các quốc gia châu Á

Tại châu Á, Nhật Bản là quốc gia tiên phong phát triển du lịch gôn. Những năm 1980, “xứ phù tang” đã lên kế hoạch xây dựng hàng nghìn sân gôn. Hiện, Nhật Bản có hơn 2.500 sân gôn, hàng năm du lịch gôn chiếm từ 6-7% tỉ trọng GDP của quốc gia này. Ngành gôn ở Nhật Bản phát triển mạnh mẽ đến mức, các doanh nghiệp và nhà đầu tư của “xứ phù tang” còn mở rộng thị trường sang các nước Đông Nam Á.

Chú thích ảnh
Hố gôn #1, Par 4, Nicklaus Course, BRG Đà Nẵng Golf Resort.

Tại ASEAN, Thái Lan được mệnh danh là “Thủ đô gôn của châu Á” với hơn 300 sân gôn có thiết kế độc đáo, dịch vụ đa dạng, nhân sự được đào tạo bài bản, chi phí rẻ. Hàng năm, các sân gôn tại “xứ sở chùa Vàng” được cho là “bận rộn” nhất châu Á, thu hút khoảng 8-9% trong tổng số 35 triệu khách quốc tế đến Thái Lan hàng năm. Du khách gôn đều đặn mang về cho “xứ chùa Vàng” hàng chục tỷ USD doanh thu mỗi năm, đóng góp trung bình tới 9% GDP của quốc gia này.

Tại Á châu, Trung Quốc cũng là nước đi đầu trong ngành du lịch gôn. Năm 1995, khi đăng cai Giải Gôn Thế giới, Trung Quốc nhận ra rằng, người phương Tây sống tại đây cần một nơi để thư giãn và trao đổi công việc và tầng lớp doanh nhân đang lên của Trung Quốc thể hiện đẳng cấp. Năm 2007, Chính phủ Trung Quốc quyết tâm xây dựng một “Hawaii phương Đông” tại đảo Hải Nam với 10 sân gôn, biến nơi này thành “Thủ đô thể thao và giải trí của châu Á”.

Ngoài ra, du lịch gôn châu Á còn chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của Ấn Độ và Malaysia, Việt Nam trong những năm gần đây.

Việt Nam nhập cuộc nhanh

Tại Việt Nam, vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là người đưa gôn về “đất nước hình chữ S”. Năm 1930, ông xây sân gôn đầu tiên tại Đà Lạt, nay là sân Dalat Palace Gôn Club, nhưng phải tới năm 1990, gôn mới được người Việt Nam biết đến nhiều hơn và bắt đầu giai đoạn hoàng kim từ năm 2012.

Bắt đầu muộn, nhưng Việt Nam đã nhập cuộc nhanh chóng với ngành gôn nói chung, du lịch gôn nói riêng. Theo ông Đoàn Mạnh Giao, nguyên Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Gôn Việt Nam (VGA), thời điểm năm 2007, khi VGA thành lập, cả nước có tổng cộng gần 4.000 hội viên (trong đó số hội viên người nước ngoài chiếm khoảng 80%); 26 dự án đầu tư xây dựng sân gôn đã được cấp phép, trong đó có 14 dự án đã hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho gần 16.000 lao động địa phương và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Đến nay, sau 15 năm, theo Hiệp hội Gôn Việt Nam, số người chơi gôn tại Việt Nam tăng lên khoảng 100.000 người, số người chơi ít nhất 2 lần một tháng khoảng 30.000 người.

Còn theo Tổng cục Thể dục thể thao, cả nước đã có 80 sân gôn 18 hố đi vào hoạt động. Trong đó, có 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế, chạy theo đường biển dài 6.000 km, gắn liền với các khu nghỉ dưỡng sang trọng. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ có 200 sân gôn 18 hố đi vào hoạt động (mỗi tỉnh hiện nay đều đang lên kế hoạch xây dựng 10-15 sân gôn, thậm chí cá biệt có một số tỉnh có từ 30-50 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện pháp lý).

Hai năm trở lại đây, dù ảnh hưởng bởi COVID-19, nhiều sân gôn mới gắn liền với các khu nghỉ dưỡng biển vẫn được khai trương tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Các địa phương phát triển gôn mạnh nhất là Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương. Các doanh nghiệp tham gia phát triển gôn đều là những “ông lớn”, tiêu biểu như Tập đoàn BRG – nhà phát triển gôn hàng đầu Việt Nam với hệ thống 7 sân gôn đẳng cấp quốc tế, đủ điều kiện tổ chức các giải gôn tầm cỡ khu vực và trên thế giới.

Cách đây hai thập kỷ, Tập đoàn BRG đã mua lại sân gôn Đồng Mô (nay là sân gôn Kings Island Golf Resort, quy mô 350ha, 1.500ha mặt hồ). Đây được coi là một dấu mốc quan trọng của thị trường trong nước khi gôn là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ lúc bấy giờ.

Thời điểm này, chính bà Nguyễn Thị Nga, nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cũng thừa nhận “không biết gì về gôn, cũng chưa bao giờ cầm gậy gôn”. Nhưng nữ doanh nhân tài ba nhận thấy, gôn là loại hình kinh doanh tiềm năng vì “đất rất rộng, rất đẹp, người chơi thì đam mê” và “đây sẽ trở thành một dịch vụ không sợ ế”.

Thực vậy, với nhu cầu không ngừng tăng cao, sân gôn sẽ là mảnh ghép quan trọng hoàn thiện mô hình du lịch chuỗi bao gồm nghỉ dưỡng và giải trí. Không những thế, gôn còn là sản phẩm của hội nhập hóa và nhu cầu thể hiện đẳng cấp, thị hiếu thời thượng. Những sân gôn thực sự đã và đang nâng tầm cho các khu resort nghỉ dưỡng, kích thích du khác ở lâu hơn, chi nhiều tiền hơn cho các khu du lịch và dịch vụ đi kèm sân gôn.

Thị trường nghỉ dưỡng đã bắt đầu bước vào giai đoạn bão hòa. Để có thể vượt lên dẫn đầu, Việt Nam thật sự cần có một loại hình du lịch độc đáo, và gôn chính là câu trả lời cho bài toán này. Hậu COVID-19, phát triển du lịch gôn- loại hình được “may đo” phù hợp các yếu tố phòng chống dịch, xu hướng du lịch thể thao, được xem là “đòn bẩy” giúp ngành kinh tế xanh phục hồi và bứt phá mạnh mẽ sau hơn hai năm “ngấm đòn” COVID-19.

“Trước đây, người ta cứ quan niệm gôn là môn thể thao của quý tộc, của những người giàu có. Nhưng thực ra đó là một môn thể thao và các nước đều phát triển môn này. Nhiều nước còn phát triển mạnh ở hình thức cộng đồng, hình thành ra những sân gôn cộng đồng để mọi người cùng chơi. Còn về bản thân, tôi cũng là người chơi gôn và lúc đầu cũng là do yêu cầu chính trị khi tham gia vào ASEAN. Gôn là một hình thức phục vụ cho luyện tập sức khỏe và có nhiều ý nghĩa khác nữa… Thời gian qua, Hàn Quốc phát triển rất mạnh và họ đứng đầu thế giới về gôn nữ. Thế tại sao chúng ta không hướng đến mục tiêu như vậy?” - Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
PV
Tập đoàn BRG khẳng định mình với những giá trị gôn tiêu chuẩn
Tập đoàn BRG khẳng định mình với những giá trị gôn tiêu chuẩn

Vào cuối tháng 8 này, tại Đà Nẵng , sẽ diễn ra Lễ hội du lịch gôn Đà Nẵng 2022. Thành phố Đà Nẵng nói chung và sân BRG Đà Nẵng Golf Resort - Nicklaus Course nói riêng mang những giá trị hấp dẫn nào khiến Asian Development Tour, thuộc hệ thống Asian Tour chọn nơi đây làm điểm hẹn dừng chân trong năm nay?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN