Trong khi nhu cầu tiêu thụ thép trong nước còn yếu, sản lượng thép sản xuất trong nước lại vượt quá nhu cầu đã đẩy các doanh nghiệp (DN) thép gặp thêm nhiều khó khăn. Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam đã đưa ra nhiều kiến nghị để gỡ khó cho các DN trong ngành.
Giảm đầu tư mới
Thực tế, các DN thép đang gặp không ít khó khăn do hàng sản xuất ra không tiêu thụ được. Một DN thép tại tỉnh Đồng Nai cho biết, vài năm gần đây, sức mua thị trường thép cứ sụt giảm dần. Năm nay, mức tiêu thụ của DN tiếp tục giảm thêm khoảng 20% so với năm ngoái.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), công suất thép xây dựng của các nhà máy trên cả nước đã lên đến 11 triệu tấn. Trong khi đó, số liệu của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất thép trong nước dự báo nhu cầu thép xây dựng trong cả nước năm 2015 chỉ khoảng 6 triệu tấn. Như vậy, cung vượt gần gấp đôi so với cầu, điều này đã tạo sức ép rất lớn lên các doanh nghiệp trong ngành thép.
Cũng theo VSA, sự “dễ dãi” khi cấp giấy phép đầu tư trong khi chưa khai thác hết công suất của các nhà máy thép hiện có, dẫn đến sự mất cân đối cung cầu. Sự mất cân đối này nằm ở cả số lượng và ở từng chủng loại thép.
Dây chuyền sản xuất thép của Công ty cổ phần Thép Việt Đức (Vĩnh Phúc). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN. |
Do vậy, các DN trong ngành thép đã kiến nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kĩ thị trường, dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường, đồng thời tạm dừng việc cấp giấy phép đối với những nhà máy sản xuất thép mới.
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam: "Việc rà soát để cấp mới các dự án sẽ dựa trên thực tế các sản phẩm của ngành. Hiện có 4 loại sản phẩm đang dư thừa lớn trong nước là thép xây dựng, ống thép, thép cán nóng, tráng tôn mạ kẽm. Những dự án sản xuất loại thép này sẽ bị hạn chế. Còn thép cán nguội trong nước đang thiếu thì nên khuyến khích đầu tư. Với tình hình cung vượt quá cầu như hiện nay, cùng với tốc độ tăng trưởng 10% mỗi năm, phải 10 năm nữa mới có thể cân đối cung cầu. Đó là còn chưa kể đến việc tham gia các hiệp định TM, thép nhập khẩu nhiều hơn thì cung còn vượt cầu hơn nữa".
Mặt khác, để đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, năm trước, các DN thép đã chú trọng nhiều đến xuất khẩu. Song năm nay, tình hình có đổi khác khi giá thép xuất khẩu được dự báo sẽ giảm sâu, do đó các DN sẽ tập trung hơn vào thị trường nội địa, cụ thể là các kênh phân phối và thị trường bán lẻ.
Kiến nghị hạn chế nhập thép giá rẻKhông chỉ gặp khó bởi cung vượt quá cầu, theo các chuyên gia, các DN thép Việt Nam còn “mất ăn mất ngủ” bởi việc nhập khẩu ồ ạt thép hợp kim giá rẻ chứa nguyên tố Bo từ thị trường Trung Quốc. Thép chứa nguyên tố Bo (nguyên tố hợp kim vi lượng 0,0008% Bo) nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế 0% có chất lượng kém hơn và mức giá rẻ hơn đã cạnh tranh trực tiếp với thép sản xuất trong nước. Thực tế này diễn ra nhiều năm qua gây khó khăn cho DN.
Bộ Công Thương đánh giá, năm 2015, tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn do: giá các nguyên liệu đầu vào như phôi thép, thép phế, quặng sắt vẫn tiếp tục giảm, cùng với giá xăng dầu liên tục giảm gây tâm lý chờ đợi của khách hàng; nhu cầu thị trường chưa có sự tăng trưởng mạnh do không phải mùa cao điểm về xây dựng và các đơn vị thương mại hạn chế mua vào để tập trung vào công tác thu hồi công nợ; nhiều DN điều chỉnh giảm giá bán để đẩy nhanh lượng hàng tồn kho giá cao ra thị trường và giữ thị phần. |
Theo VSA, năm 2014, lượng thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam lên đến 11 triệu tấn, tăng 105% so với năm 2013, trong đó có đến 4,78 triệu tấn thép Bo. Thép Bo này khi vào Việt Nam được sử dụng làm thép xây dựng. Loại thép này được tung ra thị trường bán với giá thấp hơn thép xây dựng trong nước từ 1 - 2 triệu đồng/tấn. Hệ quả là nhiều nhà máy thép trong nước phải giảm công suất, có nơi đến 60%. Có nhà máy thép không đủ sức cạnh tranh đã phải đóng cửa hoặc giải thể.
Vì vậy, nhiều DN thép trong nước đang kiến nghị Bộ Công Thương cần có biện pháp giải quyết, áp thuế cho loại thép Bo giống như các loại thép khác để tránh tình trạng trục lợi từ chính sách này dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt (Pomina), cho biết, sức tiêu thụ thép trong nước còn yếu trong khi thép Bo tràn vào cạnh tranh khốc liệt đã làm ảnh hưởng đến ngành thép trong nước. Ông Thái đề xuất Bộ Công Thương và các ban, ngành vào cuộc có biện pháp giải quyết.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho biết, VSA đã nhiều lần cảnh báo cũng như kiến nghị lên cơ quan chức năng về hậu quả của nó gây ra cho ngành thép trong nước cũng như người tiêu dùng nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Thép Bo ngày càng nhập về nhiều, gây khó khăn cho ngành thép trong nước. Tuy nhiên, về vấn đề này còn có nhiều tranh cãi. Đại diện Tổng Cục Hải quan cho rằng đề xuất của VSA là không hợp lý bởi thép hợp kim nhập khẩu không phải là đối tượng cạnh tranh trực tiếp của các DN trong VSA. “Muốn cạnh tranh và phát triển không có cách nào khác là các DN thép Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm của mình cũng như có giá thành hợp lý”, vị đại diện này cho biết.
Bên cạnh đó, VSA đang tiếp tục kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh một số điều của Thông tư liên tịch giữa Bộ Công Thương và Bộ Khoa học - Công nghệ, quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu. Theo đó, sẽ cắt giảm thủ tục kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu để giảm thời gian và chi phí cho DN.
Hoàng Dương