Ngày 19/8/1962, sau gần hai tháng đi vào hoạt động, Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, tiền thân của Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Người ân cần căn dặn: "... Cán bộ, công nhân nhà máy phải thấm nhuần tinh thần làm chủ, đoàn kết chặt chẽ, tích cực học tập văn hóa, học tập kỹ thuật, học tập các đồng chí chuyên gia Liên Xô, làm cho nhà máy phát triển, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà...".
Thấm nhuần lời căn dặn của Bác, 50 năm qua tập thể cán bộ, công nhân công ty đã không ngừng phấn đấu trở thành con chim đầu đàn của ngành hóa chất Việt Nam và là đơn vị 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng, 13 lần nhận huân chương các loại, là Đảng bộ trong sạch vững mạnh trong nhiều năm, luôn dẫn đầu trong phong trào thi đua yêu nước của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Những năm chống chiến tranh phá hoại, Công ty trở thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Nhưng cán bộ, công nhân nơi đây vẫn luôn bám máy, bám lò, vừa sản xuất vừa chiến đấu để cung ứng gần 1,2 triệu tấn phân bón cho đồng ruộng, 30 vạn tấn axít sunphurích cho quốc phòng và các ngành kinh tế. Lực lượng tự vệ nhà máy đã "chia lửa" với bộ đội phòng không, góp phần bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trên bầu trời đất Tổ.
Nhiều cán bộ, công nhân của đơn vị đã lên đường nhập ngũ, chi viện cho chiến trường miền Nam và đã hy sinh anh dũng. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, đáp ứng nhu cầu phân bón ngày càng tăng cho đồng ruộng cả nước, đơn vị đã 4 lần tiến hành đầu tư, khôi phục và mở rộng, nâng công suất các dây chuyền, đưa năng lực sản xuất lên gấp hàng chục lần.
Từ công suất ban đầu 40.000 tấn axit sunphuríc và 100.000 tấn supe lân/năm, để đáp ứng nhu cầu phân bón ngày càng tăng cho nông nghiệp, với phương châm kết hợp đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ và mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại hóa, Công ty đã phát huy các tiềm năng nội lực, nâng công suất axit sunphuríc lên 280.000 tấn/năm, lân nung chảy 200.000 tấn/năm, supe lân lên 830.000 tấn/năm, vượt công suất thiết kế.
Nhận thấy nông dân thường bón các loại phân đơn như đạm, lân, kali riêng rẽ không thuận tiện, hiệu quả thấp, mới đây Công ty đã nghiên cứu, sản xuất thành công loại phân bón NPK-S bao gồm các thành phần đạm, lân, kali. Hiện nay, sản phẩm mới của Công ty đã phát triển mạnh mẽ với công suất đạt 750.000 tấn/năm, đưa năng lực sản xuất phân bón lên gấp 18 lần ban đầu, là doanh nghiệp duy nhất Việt Nam sản xuất 2 loại sản phẩm supe lân và lân nung chảy.
Công ty cũng chú trọng cải tạo thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu suất, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Năm 2001, Công ty đầu tư xây dựng mới dây chuyền axít sunphurích số 3 với công nghệ tiên tiến, tiếp xúc kép, hấp thụ hai lần.
Năm 2003, Công ty tiếp tục chuyển đổi thành công hai dây chuyền axít cũ, số 1 và số 2, từ đốt nguyên liệu là pi-rit sang lưu huỳnh nguyên tố, loại bỏ hoàn toàn chất thải rắn là xỉ pi-rit.
Năm 2007, Công ty tiếp tục chuyển hai dây chuyền này từ công nghệ tiếp xúc đơn sang tiếp xúc kép, nâng mức chuyển hóa SO2 thành SO3 từ 98,6% lên ổn định ở mức 99,7%.
Đến năm 2008, Công ty đã thực hiện dự án xử lý và tuần hoàn nước thải công nghiệp với tổng kinh phí 47 tỷ đồng. Hiện tại, nước thải sinh hoạt, nước làm mát axít và các nguồn nước thải khác đã được tuần hoàn tái sử dụng toàn bộ.
Tổng Giám đốc Công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Nguyễn Duy Khuyến cho biết: Luôn ghi nhớ lời dạy của Bác là: "... Công nhân phải giúp đỡ nông dân, nông dân phải giúp đỡ công nhân để công nông liên minh ngày một tốt hơn...", những năm qua, Công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao luôn coi nông dân là người bạn đồng hành, bảo đảm hài hòa các lợi ích để cùng phát triển và luôn ưu tiên cho nông dân về vốn và phương tiện vận chuyển.
Công ty đã hợp tác với các nhà khoa học nghiên cứu đa dạng hóa chủng loại phân hỗn hợp NPK phù hợp với từng loại cây trồng, chất đất, đặc biệt đã nghiên cứu đề xuất quy trình bón phân khép kín, sản xuất nhiều loại NPK bón thúc phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Công ty cùng phối hợp với các cấp Hội Nông dân, các tổ chức khuyến nông và đoàn thể quần chúng, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón, tổ chức hàng vạn hội nghị, hàng nghìn mô hình trình diễn, khảo nghiệm.
Điển hình trong số đó là mô hình trình diễn phân bón NPK-S (có bổ sung 10% lân nung chảy) cho cây lúa được ứng dụng thành công mới đây tại tỉnh Phú Thọ, đã giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, giảm chi phí. Kết quả ứng dụng thực tế tại xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao cho thấy, chi đầu tư giảm tới 68.500 đồng/sào, năng suất lúa tăng từ 20kg/sào, trừ chi phí cho thu nhập cao hơn đối chứng tới 204.000 đồng/sào.
Công ty chú trọng xây dựng và củng cố mạng lưới phân phối, hệ thống kho trung chuyển rộng khắp cả nước, đảm nhận vận chuyển phân bón đến các trung tâm tỉnh, huyện để cung ứng thuận tiện và kịp thời phục vụ cho nông dân. Tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty không ngừng phát triển. Từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp của Công ty đạt 577 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 2.050 tỷ đồng, tăng 2,99%, nộp ngân sách 112 tỷ đồng, tăng 119% so với vùng kỳ. Dự kiến giá trị sản xuất cả năm nay của đơn vị sẽ tăng 9,3%.
Để trụ vững và phát triển trong nền kinh tế thị trường, cán bộ, công nhân Công ty quyết tâm xây dựng đơn vị thành trung tâm sản xuất kinh doanh phân bón, hóa chất lớn theo hướng kinh doanh đa ngành nghề, gồm phân bón, hóa chất, vật liệu xây dựng, cơ khí, xây lắp... Các sản phẩm phân bón hiện có sẽ tiếp tục được đa dạng hóa, đặc biệt là các chủng loại NPK khép kín cho từng loại cây trồng.
Công ty đang đầu tư hàng ngàn tỷ đồng triển khai xây dựng nhà máy sản xuất axít sunphuríc nâng công suất hoạt động lên 400.000 tấn/năm, kết hợp phát điện công suất 12MW và nâng công suất xưởng sản suất Sunphat amon lên 100.000 tấn/năm, đồng thời xây dựng thêm dây chuyền NPK hàm lượng cao công suất 300.000 tấn/năm, hoàn thiện dây chuyền phân lân nung chảy và đưa dự án sản xuất supe lân bằng phương pháp nghiền ướt vào hoạt động...
Lâm Đào An