Cộng đồng doanh nghiệp có vai trò quan trọng nhằm tạo đột phá trong cải cách thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi.
Đây là chủ đề chính của Hội thảo: “Nâng cao năng lực cạnh tranh: Doanh nghiệp chung tay trong cải cách thể chế” do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Quản trị nhà nước nhằm Tăng trưởng toàn diện của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức ngày 19/3 ở Hà Nội.
Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: customs.gov.vn |
Cần sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp Đóng góp của doanh nghiệp sẽ quyết định thành bại của cải cách thể chế là nhận định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI tại hội thảo.
Theo ông Lộc, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đóng góp thông tin, nêu ra những khó khăn bất cập về hoạt động kinh doanh sẽ là yếu tố quan trọng, góp phần tạo ra sự đột phá trong cải cách thể chế, tạo ra điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Báo cáo từ VCCI cho thấy, trong suốt những năm qua, Chính phủ đã tích cực để điều chỉnh chính sách, và đến lúc này thì nhiều chỉ tiêu cơ bản đã được cải thiện như: Thủ tục thuế, hải quan, thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng... đã có thay đổi tích cực, cắt giảm 30% đến 70% thời gian, thủ tục. Tuy nhiên, trong cuộc đua toàn cầu thì Việt Nam cải thiện chưa nhiều, mới tăng 2 bậc, từ hạng 70 lên hạng 68. Rõ ràng, những nỗ lực đột phá cần phải tiếp tục trong thời gian tới.
Đại diện VCCI nhấn mạnh: Cộng đồng doanh nghiệp phải tích cực khi kiến nghị, phản ánh, tham gia việc cải thiện môi trường kinh doanh. 6 tháng một lần, VCCI sẽ tổng hợp các thông tin, cùng các hiệp hội doanh nghiệp báo cáo Chính phủ về điều kiện và môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.
VCCI mong rằng, Chính phủ sẽ giúp VCCI xây dựng chương trình hỗ trợ cho các hiệp hội doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các hiệp hội này, tạo tiền đề hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ, điều quan trọng không phải chỉ có các đạo luật tốt, thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn đòi hỏi những thay đổi trên thực tiễn. Các đơn vị chức năng thực thi luật phải đưa các cải cách ấy vào thực tiễn hoạt động của mình.
Các cơ quan làm luật và thực thi luật cần lắng nghe doanh nghiệp hơn, đối thoại gỡ vướng cho doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp tiếp tục phát hiện, kiến nghị những đề xuất, vướng mắc của mình để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Cải thiện môi trường kinh doanhChủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, năm 2015 sẽ là năm cộng đồng doanh nghiệp có những bước đột phá. Khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đi vào hoạt động, Việt Nam có điều kiện thâm nhập vào các thị trường hàng đầu thế giới với những gì lợi thế như dệt may, giày dép, nông sản...
Nhằm tối đa hóa lực đẩy của Nghị quyết 19/2014/NQ - CP về Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, Chính phủ đã ban hành vào ngày 12/3 Nghị quyết 19 năm 2015 nhằm tiếp tục cải cách thể chế sâu rộng hơn.
“Nghị quyết 19 áp đặt lên cải cách thể chế bằng chuẩn mực quốc tế (ASEAN - 6) có thấy sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Riêng lĩnh vực thuế nếu giảm được số thời gian thực hiện các thủ tục từ 872 giờ xuống còn 171 giờ thì rõ ràng là một bước tiến rất quan trọng giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tiền bạc và tính dự liệu môi trường kinh doanh cũng tốt hơn. Tôi cho rằng những nỗ lực cải cách thể chế trong năm 2014, có độ trễ nhất định nên sẽ có tác dụng vào năm 2015 và những năm tiếp theo”, ông Lộc nói.
Đại diện cho các doanh nghiệp dệt may, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ chính là cơ sở, mục tiêu cho sự hội nhập sâu rộng, giúp cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn. “Song chúng tôi rất muốn có được sự cải thiện môi trường kinh doanh trên thực tiễn. Chúng ta không phải chỉ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau mà chúng ta đang cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thế giới”.
Theo ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế, với Nghị quyết này, Chính phủ đã đặt mình vào thế cạnh tranh toàn cầu để cải cách. Nghị quyết ưu tiên tạo dựng môi trường thương mại tốt và có công cụ để đánh giá. Chính phủ dùng chỉ số của Ngân hàng Thế giới chứ không chỉ dùng công cụ nội bộ.
Cách tiếp cận mới này sẽ có ích cho các doanh nghiệp - chủ thể tham gia, đối tượng hưởng lợi chính và cho các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu thực hiện thành công nghị quyết mới này, công cuộc cải cách thể chế của Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều thành công.
Một số chuyên gia kinh tế đề xuất, năm 2015, trong khuôn khổ cải cách thể chế cần xem xét và sửa đổi, bổ sung những luật pháp liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương; sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh, bổ sung quyền hạn kiểm soát độc quyền, nâng cao vị thế của Cơ quan quản lý cạnh tranh và kiểm soát độc quyền...
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng thừa nhận, môi trường pháp lý hiện nay còn nhiều khoảng “hổng” hạn chế sự phát triển lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp.
Mặc dù nhiều luật (như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý vốn nhà nước...) đã được ban hành và sửa đổi, nhưng chắc chắn còn nhiều văn bản pháp lý khác cần được tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và Luật Cạnh tranh là một trong số đó.
Minh Phương