Cà phê với giấc mơ phát triển bền vững

Cà phê đã trở thành ngành hàng nông sản chiến lược của Việt Nam khi đóng góp 10% GDP nông nghiệp, 5% tổng giá trị xuất khẩu và cung cấp hơn 1 triệu việc làm, góp phần tạo 50% sinh kế cho người dân Tây Nguyên. Phải làm sao đưa ngành hàng cà phê thoát cảnh ăn đong là khát khao của nhiều người.

Bắt đầu từ gốc

Đầu tư chế biến sâu, hướng đến tiêu thụ trong nước là những giải pháp giúp ngành cà phê giảm thiểu khó khăn.


Số liệu khảo sát của ngành chức năng cho thấy có khoảng 30% diện tích cà phê của Việt Nam cần tái canh và hầu hết đã được trồng cách đây 20 -25 năm đang cho năng suất thấp. Vấn đề tái canh cà phê đang là câu chuyện nóng ở các tỉnh Tây Nguyên, nếu việc này không được triển khai sớm và bài bản sản lượng cà phê sẽ có sự sụt giảm mạnh mẽ. Chỉ tính riêng tỉnh Đăk Lăk-thủ phủ của cây cà phê, có hơn 50% diện tích cà phê trên địa bàn trên 15 tuổi, cần phải tái canh.

“Có thể nói yêu cầu cấp thiết của ngành lúc này là phải nhanh chóng trẻ hóa các vườn cà phê. Để thực hiện việc này theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã dành ra 12.000 tỷ đồng cho 5 tỉnh Tây Nguyên thực hiện tái canh cà phê. Theo kế hoạch, đến năm 2020 sẽ chặt bỏ, trồng mới 90.000 ha cà phê già cỗi và ghép khoảng 30.000 ha. Đã có chính sách hỗ trợ của Nhà nước,  chúng tôi đang tăng cường tuyên truyền đến bà con, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết.

Theo Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn (NN&PTNT), để cà phê Việt Nam có thương hiệu bắt buộc người sản xuất cà phê phải đáp ứng được những điều kiện khắt khe về kỹ thuật, môi trường, cũng như phải có các chứng chỉ đi kèm. Đây chính là một trong những điều kiện bắt buộc đối với bất kể sản phẩm nào muốn xây dựng thương hiệu mạnh. Cà phê có chứng nhận sẽ giúp các công ty có thể truy xuất nguồn gốc sản xuất. Trong kế hoạch phát triển ngành cà phê, Bộ đã đặt mục tiêu đến năm 2015, cả nước phải có 20% diện tích cà phê được chứng nhận các chứng chỉ nói trên.

Giảm xuất khẩu thô

Theo kết quả cuộc nghiên cứu về thị trường cà phê tại Việt Nam và các quốc gia khác ở khu vực châu Á của Công ty nghiên cứu thị trường Mintel (Anh), thị trường bán lẻ cà phê Việt Nam sẽ đạt 573,75 triệu USD vào năm 2016. Ước tính của các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong nước, chỉ cần 20% số dân Việt Nam uống thêm 1 ly cà phê/ ngày sẽ góp phần đẩy lượng tiêu thụ thêm 128.000 tấn cà phê bột, tương đương với 196.000 tấn cà phê nhân, chiếm 14% sản lượng cà phê hàng năm. Nhiều doanh nghiệp lớn đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ chuyển hướng sang thị trường nội địa và bước đầu gặt hái thành công.

Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sâu, nâng cao giá trị cho cà phê, Bộ NN&PTNT đã tiến hành quy hoạch phát triển hệ thống chế biến cà phê từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020 sẽ tập trung nâng cấp, hiện đại hóa các dây chuyền chế biến hiện có, nỗ lực từng bước nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm.

Công suất chế biến cà phê nhân xuất khẩu sẽ chỉ gói gọn trong khoảng 1 triệu tấn/năm, không khuyến khích đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng công suất thiết kế đối với các cơ sở chế biến cà phê nhân hiện có. Riêng cà phê rang xay sẽ chủ yếu dành cho thị trường nội địa, cũng như ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến cà phê hòa tan thành sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước…

“Mục tiêu của chúng tôi là tỷ lệ cà phê nhân được chế biến ở quy mô công nghiệp sẽ đạt hơn 40% trong năm 2015 và khoảng 70% vào năm 2020. Đến năm 2020, tỷ lệ cà phê tiêu dùng sẽ  đạt hơn 25% tổng sản lượng cà phê nhân. Việc phát triển thị trường nội địa sẽ được chú trọng hơn và tỷ trọng tiêu dùng nội địa từ dưới 10% hiện nay sẽ lên hơn 25% vào năm 2030.

Những hoạt động xúc tiến thương mại sẽ được đẩy mạnh nhằm làm sao phát triển được thị trường tiêu thụ cà phê chế biến sâu tại nước ngoài, trong đó hướng sự quan tâm đến thị trường Đông Bắc Á, Trung Quốc, Đông Âu và các nước ASEAN…”, ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và muối nhấn mạnh.


Lê Nghĩa
Phát triển ngành cà phê vẫn bấp bênh
Phát triển ngành cà phê vẫn bấp bênh

Niên vụ sản xuất cà phê năm 2014 - 2015 đã kết thúc, nhà nông, doanh nghiệp, ngành chức năng đang đau đầu với bài toán nâng cao hiệu quả cho cây cà phê.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN