Tái cơ cấu nông nghiệp được xem là giải pháp đột phá làm thay đổi phương thức sản xuất, hướng tới việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để gia tăng giá trị và phát triển bền vững.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong 2 năm gần đây, cùng với việc huy động các nguồn lực bằng tiền để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có rất nhiều cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực, đặc thù đối với các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, được xem là thế mạnh của vùng như sản xuất hàng hóa lớn, chuỗi liên kết, xuất khẩu... mà Agribank là chủ lực.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục tăng cường vốn từ các nơi khác về đây đầu tư cho các dự án trọng điểm, chương trình hiệu quả; đặc biệt tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể chủ động về vốn khi mở rộng sản xuất kinh doanh.
Hướng nông dân tới việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất cao. |
Tại khu vực ĐBSCL, hoạt động tín dụng chủ yếu do Agribank thực hiện, do đó vẫn còn tình trạng người dân kêu thiếu vốn, chưa vay được vốn theo nhu cầu. Tỷ trọng vốn cho vay trung, dài hạn thấp, đang có xu hướng giảm, đến nay mới chiếm dưới 30% tổng dư nợ của vùng. Hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại chưa thực sự đạt được hiệu quả như kỳ vọng, chất lượng tín dụng chưa cao, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chưa kể một số thủ tục, quy trình cho vay của nhiều tổ chức tín dụng chưa phù hợp với thực tiễn tại nhiều vùng nông thôn, nhiều đối tượng hộ gia đình. Các tổ chức tín dụng cho vay chủ yếu vẫn dựa trên tài sản thế chấp, thiếu linh hoạt, cơ chế điều chuyển vốn nội bộ và cơ chế giao các chỉ tiêu khoán kinh doanh vẫn cứng nhắc.
Ông Tiết Văn Thành - Tổng giám đốc Agribank cho biết: “Do đặc điểm của nền nông nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, quy hoạch cây - con - ngành nghề của địa phương chưa rõ, còn manh mún, giá trị đất đai làm tài sản đảm bảo lại thấp do địa phương định giá theo khung giá nhà nước, mặt khác, pháp luật lại chưa quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp (nhà xưởng, nhà kính...) trong khi đây đều là những tài sản có giá trị cao... nên nông dân gặp khó khăn trong việc tìm tài sản thế chấp để vay vốn. Vì thế, Agribank luôn đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ những mô hình sản xuất hiệu quả để cho vay vừa đảm bảo nguồn vốn và giúp nông dân làm giàu”.
Là ngân hàng duy nhất do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, đến nay, Agribank có quy mô về tổng tài sản hơn 1 triệu tỷ đồng; mạng lưới 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch; đội ngũ cán bộ hơn 40.000 người. Agribank luôn xác định hai mục tiêu quan trọng là: một là, lợi nhuận nộp ngân sách, đảm bảo tiền lương cho người lao động và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; hai là, thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phục vụ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói riêng.
Agribank hiện đang tích cực triển khai 7 chính sách tín dụng đối với "Tam nông " và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tổng dư nợ đến 30/4/2017 đạt 817.607 tỷ đồng. Tỷ trọng dư nợ nông nghiệp nông thôn chiếm trên 70% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, Agribank đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các đối tượng khách hàng, triển khai 5 gói tín dụng ưu đãi lãi suất trên toàn quốc với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 - 1,5%/năm.
Cụ thể như tại tỉnh Đồng Tháp, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp có thể thực hiện một cách hợp lý, hiệu quả. Chỉ tính riêng năm 2016, Đồng Tháp đã có 95.539 ha cánh đồng liên kết, chiếm 18% diện tích xuống giống toàn tỉnh với 55.920 hộ tham gia. Kết quả, năng suất lúa vụ đông xuân - hè thu đạt 6,8 đến 7,2 tấn/ha, giá bán 4.600 đến 4.700 đồng/kg. Mô hình giảm giá thành sản xuất giống lúa Jasmine ở hợp tác xã (HTX) An Phong (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười) đã giúp cho năng suất trung bình vụ hè thu - thu đông đạt 7,98 tấn/ha (tăng 0,48 tấn/ha), giá thành sản xuất 2.176 đồng/kg (giảm 798 đồng/kg), lợi nhuận 26 triệu đồng/ha, tăng 7,4 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.
Tính đến 31/5/2017, với 15 chi nhánh Agribank tại 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Agribank có nguồn vốn huy động 105.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay 119.000 tỷ đồng, là khu vực có dư nợ lớn nhất trong 10 vùng kinh tế của cả nước. Trong đó, dư nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng trên 90% tổng dư nợ. Một số chương trình cho vay đạt kết quả cao như: thủy sản đạt 18.000 tỷ đồng; lương thực đạt 11.000 tỷ đồng; chăn nuôi gia súc gia cầm đạt 26.000 tỷ đồng...
Với những kết qủa đã đạt được, Agribank đã và đang đồng hành phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tạo động lực phát triển nhanh và bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long trong thời kỳ hội nhập quốc tế.