Nhân lực ngành an toàn thông tin mạng thiếu cả lượng và chất

Để đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực phục vụ trong lĩnh vực an toàn thông tin trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam vẫn cần đảm bảo, quan tâm hơn nữa về cả lượng và chất của nguồn nhân lực.


Bản đồ smartphone từng bị lây nhiễm mã độc ở Việt Nam được Công ty An ninh mạng Bkav thống kê. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Thiếu kỹ năng mềm

Đề án “Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 99), đã được thực hiện từ năm 2014. Đến nay, trình độ nhân lực an toàn thông tin ở Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực, trong đó hàng ngàn chuyên gia an toàn thông tin của nước ta đã được cấp chứng chỉ quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần quan tâm hơn nữa về cả chất lượng và số lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực an toàn thông tin.
 
Theo Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam hiện có 8/8 cơ sở đào tạo trọng điểm đã tuyển sinh đào tạo hệ chính quy thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân về an toàn thông tin để triển khai Đề án 99. Ông Nguyễn Huy Dũng (Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin) cho biết, qua 4 năm triển khai Đề án 99, cả nước đã có hơn 4.800 học viên được đào tạo về an toàn an ninh thông tin. 80% số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường đã có việc làm.

Các cơ sở đào tạo trọng điểm đã cử được 91 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về an toàn an ninh thông tin tại nước ngoài, trong đó có 63 tiến sĩ, 18 thạc sĩ. Đến cuối năm 2017, cả nước đã có 953 kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ về an toàn an ninh thông tin tốt nghiệp. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020 có 2.000 học viên có trình độ đại học và trên đại học về an ninh an toàn thông tin,  kết quả đào tạo sau 4 năm thực hiện đã đạt khoảng 47% mục tiêu của Đề án 99.

Bên cạnh đó, Cục An toàn Thông tin đã phối hợp với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin tổ chức các cuộc thi an ninh mạng toàn cầu, hướng nghiệp cho sinh viên an toàn thông tin, hội chợ việc làm cho sinh viên… Trong đó, hội chợ việc làm được tổ chức tại Học viện Bưu chính Viễn thông (Hà Nội) và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 đã thu hút hơn 5.000 sinh viên tham dự và khoảng 60 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng, Tập đoàn Công nghệ BKAV chia sẻ: Công nghệ và internet phát triển, sinh viên có thể học công nghệ từ xa nhưng vẫn phải thực tế tham gia giải quyết công việc mới xác định được năng lực. Chọn học ngành công nghệ, sinh viên cần xác định phải vừa học, vừa làm, khi thực sự đi làm vẫn phải tiếp tục học hỏi, cập nhật để theo kịp sự phát triển của công nghệ.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia thực hiện Đề án 99, hiện nhiều sinh viên ngành an toàn thông tin đang thiếu kỹ năng mềm để có thể đáp ứng yêu cầu của công việc. Ông Khổng Huy Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ an ninh Không gian mạng Việt Nam cho biết: Công ty không chỉ cần nhân viên giỏi công việc, có trình độ tiếng Anh đủ dùng, mà thật sự cần những người có tư duy giải quyết vấn đề nhanh. Sinh viên Việt Nam khi tốt nghiệp nhìn chung vẫn còn thiếu các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, làm báo cáo, thuyết trình, phản biện…

Chú trọng đầu tư chất lượng chuyên môn

Đề án 99 cũng đặt ra mục tiêu đưa 300 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về an ninh an toàn thông tin ở nước ngoài. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2017 mục tiêu này mới chỉ đạt khoảng 22%. Đề án  cũng đưa ra chỉ tiêu đưa 1.500 lượt cán bộ chuyên trách về an toàn an ninh thông tin đi đào tạo ngắn hạn cập nhật công nghệ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia an ninh an toàn thông tin cho rằng, về lâu dài Việt Nam cần có thêm cơ sở đào tạo an ninh an toàn thông tin uy tín ở trong nước. 

Bởi trong lĩnh vực an ninh an toàn thông tin, các chuyên gia an toàn thông tin nước ngoài sẽ không chia sẻ hết những kinh nghiệm phòng chống tấn công mạng do đây luôn là thông tin bí mật của các đơn vị. Ngoài ra, nguồn lực tài chính cũng là khó khăn cơ bản quyết định chất lượng và số lượng đội ngũ nhân lực an toàn thông tin. Trong giai đoạn 3 năm đầu triển khai Đề án 99 (2014-2017), tổng kinh phí được cấp chỉ bằng 20-25% tổng mức kinh phí dự kiến.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết: Tại Việt Nam đang tồn tại sự mất cân đối giữa chỉ tiêu đào tạo, nguồn lực bố trí cũng như nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin.

Trong thời đại kỷ nguyên số, nền công nghệ của một quốc gia không chỉ dựa vào lợi thế về vốn, công nghệ và tài nguyên khoáng sản sẵn có mà còn phụ thuộc vào năng lực sáng tạo, khả năng cập nhật kỹ năng, kiến thức của đội ngũ nhân lực. Trong đó, ngành an toàn, an ninh thông tin mạng luôn đòi hỏi mỗi chuyên gia phải thể hiện sự chủ động, sáng tạo trong phòng chống các cuộc tấn công mạng chứ không “ngồi chờ” sự cố xảy ra để khắc phục hậu quả.

Thời gian qua, trong ngành thông tin đã có sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo, tập đoàn, doanh nghiệp an toàn thông tin trong nước để mở thêm các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về an toàn, an ninh thông tin. Đây là việc làm cần thiết, góp phần thu hút thêm vốn đầu tư từ các đơn vị tham gia học tập, đào tạo. Bên cạnh đó, để chuẩn bị hội nhập trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi bản thân mỗi sinh viên phải thực sự nỗ lực, chủ động học tập, nghiên cứu tại giảng đường, vừa phải tham gia thực hành các kỹ năng tại các doanh nghiệp.

Hiện nay, các cơ sở đã tuyển sinh đào tạo đại học và sau đại học ngành an toàn an ninh thông tin mặc dù đã đáp ứng được về số lượng, nhưng chất lượng tuyển sinh đầu vào cũng như chất lượng đào tạo và sau đào tạo sẽ tiếp tục là vấn đề cần sự quan tâm đầu tư toàn diện của toàn hệ thống các đơn vị trong ngành công nghệ thông tin từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo đến bản thân sinh viên thời đại công nghệ.

Ông Phạm Duy Hậu, giảng viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên học hết năm thứ ba sẽ đi thực tập. Đến năm thứ tư, 17/25 sinh viên đã có thể vừa học vừa có việc làm. Lĩnh vực an toàn thông tin rất rộng, để nắm được và làm được việc trên tất các lĩnh vực thì rất khó. Vì vậy, muốn giỏi về an toàn thông tin, thì phải đầu tư công sức nhiều hơn theo nguyên tắc chọn học nền tảng công nghệ thật chắc, từ đó đầu tư cho lĩnh vực mình yêu thích...


Ngọc Bích (TTXVN)
Chủ động phòng chống, giám sát an toàn thông tin mạng
Chủ động phòng chống, giám sát an toàn thông tin mạng

Trong thời đại intenet phát triển như hiện nay, các vụ tấn công mạng tại Việt Nam ngày càng gia tăng về quy mô và số lượng cho thấy người dùng cần chủ động phòng chống, giám sát an toàn thông tin mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN