Để nông dân “xích gần” Internet

Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), mặc dù Internet đang trở thành dịch vụ không thể thiếu đối với nhiều người Việt Nam nhưng vẫn còn 2/3 dân số chưa được tiếp cận với Internet. VIA cho biết: Khoảng cách sử dụng Internet giữa nông thôn và thành thị vẫn còn xa, vì vậy một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VIA năm 2012 là tháo gỡ vấn đề này.

Tìm đường về nông thôn

Đại diện VIA chia sẻ: Một trong những lý do khiến người dân khu vực nông thôn chưa mặn mà với Internet là do các nhà cung cấp dịch vụ Internet chưa nắm bắt được đúng nhu cầu. “Nhiều người dân vẫn chưa biết sẽ có thể nhận được những gì khi truy cập Internet và thậm chí có người cảm thấy việc truy cập Internet không hấp dẫn bằng xem các game show giải trí trên truyền hình”, lãnh đạo VIA nói.

Hướng dẫn sử dụng Internet cho học viên người dân tộc Jrai, xã Ia H’ru, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Trần Quang Thái - TTXVN


Theo ông Liên, nhu cầu hàng đầu hiện nay của người dân nông thôn đối với Internet là những thông tin giáo dục, tiếp đến là thông tin giải trí. Khi đã tạo được sức cuốn hút thì sẽ dễ dàng thu hút họ quan tâm tới những mảng khác như thông tin y tế, khoa học kỹ thuật phục vụ nông nghiệp... “Nếu người dân nông thôn không nhận thức được lợi ích của việc truy cập Internet mà cứ "nhồi nhét" cho họ thì có thể dẫn đến tình trạng không "tiêu hóa" được", ông Liên nhấn mạnh. Vì vậy, sau khi nắm được nhu cầu thì bước tiếp theo là tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân về giá cả khi sử dụng Internet, các công cụ, phương tiện, công nghệ để truy cập...

Để phát triển Internet Việt Nam, nhất là tại vùng nông thôn, ông Nguyễn Long - Phó Chủ tịch VIA nói: “Cho tới thời điểm này, có nhiều chương trình đưa máy tính có kết nối Internet về nông thôn, vùng sâu, vùng xa với những hỗ trợ gần như miễn phí hoàn toàn. Điều này là nhờ những nỗ lực từ phía các doanh nghiệp cung cấp thiết bị cũng như hạ tầng. Nhưng thực tế cho thấy, có doanh nghiệp rất sẵn sàng tham gia chương trình này nhưng có doanh nghiệp khá thờ ơ”. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng: Thời gian tới cần sự chung tay hơn nữa của các doanh nghiệp, người dân, nhà quản lý để tạo thành một cộng đồng Internet Việt Nam.

Chia sẻ mục tiêu này, có ý kiến cho rằng: Cần sự tham gia của 3 yếu tố: Công nghiệp nội dung, đường truyền và thiết bị đầu cuối. Theo Đông Dương Telecom, đường truyền cũng cần có sự đồng bộ giữa các loại truyền dẫn khác nhau như cáp quang, 4G (hoặc 3G), trong đó công nghệ không dây sẽ là giải pháp phù hợp nhất. Bên cạnh đó, Nhà nước và các doanh nghiệp phải tạo cơ hội cho người dân có thiết bị giá rẻ như: Cung cấp các thiết bị truy cập mạng không dây (wifi) giá rẻ cho người dân hay thiết bị phát sóng wifi phải ở mọi nơi.

Theo ông Nguyễn Long, vấn đề là ở chỗ làm sao kết hợp đồng nhất được khối hạ tầng và khối dịch vụ nội dung. Ông Long cũng hy vọng: Năm 2012, Bộ Chính trị sẽ có nghị quyết về việc đưa một phần hạ tầng mạng vào quyết sách để phát triển. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc chúng ta cần làm thế nào để đẩy mạnh tốc độ đưa Internet về vùng sâu, vùng xa nhanh và nhiều hơn.

Khuyến khích nội dung tiếng Việt

Phó Tổng Giám đốc Đông Dương Telecom - ông Phạm Văn Chiến cho rằng: Đối với công nghiệp nội dung, do trình độ tiếng nước ngoài của người dân nông thôn còn hạn chế nên nội dung tiếng Việt đặc biệt quan trọng trong sự phát triển Internet và cần phải được khuyến khích.

Theo VIA, để có thể tăng số lượng người dùng Internet từ 30 triệu người lên 60 - 70 triệu người, ngoài việc phát triển các thiết bị đầu cuối, điều kiện tiếp cận Internet thì còn phụ thuộc rất nhiều vào nội dung. Tuy nhiên, hiện còn rất ít nội dung trên Internet ngoại trừ các dịch vụ giải trí và game. Các dịch vụ nội dung thiết thực khác gần như chưa phát triển do những vướng mắc về vấn đề bản quyền, nhất là khi Luật Bản quyền còn chưa thực sự rõ ràng.

Một số doanh nghiệp Internet cho rằng: Hiệp hội Internet cần định hướng các doanh nghiệp xây dựng nội dung tiếng Việt dồi dào để người dùng Internet Việt Nam hạn chế truy cập trang web nước ngoài. Đồng tình quan điểm này, ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam chia sẻ: Nội dung sẽ là yếu tố quyết định thu hút nông dân sử dụng cũng như gắn bó với Internet. Cần Việt hóa nội dung thông tin càng nhiều càng tốt bằng cách sử dụng tên miền tiếng Việt. Ví dụ người dân nông thôn khi gõ chữ "VnExpress" nhiều khi còn sai nhưng nếu đưa các trang web có địa chỉ tên miền như “giá ngô.vn”, “kỹ thuật chăn bò.vn”, “chữa rắn cắn.vn”... thì sẽ gắn liền với đời sống và dễ thu hút sự quan tâm, sử dụng của người dân.

M.Phương - X.Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN