Cục An toàn thông tin cùng Bkav tổ chức diễn tập chống mã độc đào tiền ảo

Thời gian gần đây, hình thức tấn công mạng phổ biến qua các mã độc đào tiền ảo ngày càng phổ biến. Để nâng cao khả năng phòng chống mã độc đào tiền ảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Bkav sẽ tổ chức diễn tập “Điều tra, xử lý và phòng chống mã độc đào tiền ảo qua lỗ hổng phần mềm” vào ngày 9/5/2018 trên phạm vi cả nước.

Các đội diễn tập thu thập, xác minh, phân tích hành vi mã độc...

Theo đó, từ ngày 12/4, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên toàn quốc có thể đăng ký tham gia chương trình diễn tập An toàn thông tin mạng WhiteHat Drill 05 với chủ đề “Điều tra, xử lý và phòng chống mã độc đào tiền ảo qua lỗ hổng phần mềm”. Thời hạn đăng ký tham gia chương trình sẽ kéo dài đến trước 00h00 ngày 5/5/2018.


Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết: “Việc định kỳ tổ chức các cuộc diễn tập với chủ đề hàng năm thay đổi cho phù hợp với những xu hướng, nguy cơ, rủi ro mới. Đây cũng là sự hợp tác hiệu quả giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong công tác bảo đảm an toàn thông tin”.


Còn ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cho biết: “Nguồn lợi hấp dẫn từ tiền ảo mang lại là động cơ phát tán virus của hacker. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới với cường độ ngày càng cao, đặc biệt là việc khai thác các lỗ hổng phần mềm để phát tán mã độc. Đó là lý do chúng tôi chọn mã độc đào tiền ảo làm chủ đề diễn tập lần này”.


Liên tiếp trong các năm 2017, 2018, cộng đồng mạng chứng kiến sự bùng nổ của mã độc đào tiền ảo. Các hình thức tấn công phổ biến được hacker sử dụng là khai thác lỗ hổng website, khai thác lỗ hổng phần mềm và lợi dụng mạng xã hội để phát tán virus. Tháng 3/2018, hàng trăm nghìn máy tính tại Việt Nam bị nhiễm W32.AdCoinMiner, virus phát tán qua dịch vụ quảng cáo trực tuyến. Đặc biệt, mã độc này có khả năng lây nhiễm các máy tính trong cùng mạng qua lỗ hổng phần mềm SMB mà mã độc tống tiền WannaCry đã khai thác, lây nhiễm hơn 300.000 máy tính chỉ trong vài giờ. Theo thống kê của Bkav, có tới hơn một nửa số máy tính tại Việt Nam tồn tại lỗ hổng này.


Diễn tập An toàn thông tin mạng WhiteHat Drill 05 bao gồm các tình huống mô phỏng kịch bản hệ thống bị cài mã độc đào tiền ảo qua lỗ hổng phần mềm. Tham dự diễn tập các đội phải cô lập hiện trường, tránh mã độc lây lan rộng hơn, phân tích mã độc để xác định nguồn gốc cuộc tấn công. Tiếp đến, các đội cần xác định chính xác lỗ hổng bị khai thác, vá lỗ hổng để tránh hacker tấn công trở lại.


Thời gian tới, chương trình diễn tập An toàn thông tin mạng dự kiến sẽ được Cục An toàn thông tin và Bkav phối hợp tổ chức thường xuyên với các chủ đề và nội dung khác nhau như: Xử lý và phòng chống mã độc tống tiền; Rà soát và xử lý phần mềm gián điệp trên máy tính; Phòng chống tấn công từ chối dịch vụ, tấn công khai thác lỗ hổng website…


Xuân Cường/Báo Tin tức
Các nhà mạng bảo mật an toàn thông tin của khách hàng như thế nào?
Các nhà mạng bảo mật an toàn thông tin của khách hàng như thế nào?

Với quy định sau ngày 24/4, các thuê bao không có thông tin chính xác và ảnh chính chủ sẽ bị tạm dừng dịch vụ theo Nghị định 49/2017, một trong những vấn đề được nhiều người dùng quan tâm là thông tin cá nhân sẽ được bảo mật ra sao?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN