Đó là các sự kiện: Các cảng hàng không và Vietnam Airlines bị hacker tấn công; Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cấp phép 4G cho các nhà mạng; Thủ tướng đề nghị bỏ Điều 292 - tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông; Phát hiện công ty Sam Media "móc túi" 230 tỷ đồng thuê bao di động tại Việt Nam; Các ngân hàng lớn trong nước bị hacker tấn công; Các nhà mạng khóa và thu hồi 15 triệu sim di động trả trước kích hoạt sẵn; Bộ TT-TT công bố đổi mã vùng điện thoại cố định; Năm 2016 được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp; Luật an toàn thông tin mạng chính thức có hiệu lực từ 1/7/2016; Ba mạng di động ba nước Đông Dương xóa bỏ cước roaming.
Hệ thống máy tính tại các quầy làm thủ tục cũng ngừng hoạt động, các hãng hàng không phải làm thủ tục check-in cho hành khách bằng tay. |
Theo ICT Press Club, vụ việc các cảng hàng không và Vietnam Airlines bị hacker tấn công đã gây xôn xao dư luận. Cụ thể: Vào 14h ngày 29/7, màn hình các quầy làm thủ tục của Vietjet ở sân bay Tân Sơn Nhất và Vietnam Airlines ở Nội Bài xuất hiện các dòng chữ xúc phạm Việt Nam và Philippines, xuyên tạc về chủ quyền biển Đông. Hệ thống máy tính tại các quầy làm thủ tục cũng ngừng hoạt động, buộc nhân viên các hãng hàng không phải làm thủ tục check-in cho hành khách bằng tay.Website
vietnamairlines.comcũng bị tấn công, hiển thị thông tin tự nhận tác giả là 1937CN, nhóm hacker khét tiếng nhất Trung Quốc. Dữ liệu hơn 400 ngàn khách hàng chương trình Golden Lotus của Vietnam Airlines cũng bị hacker phát tán lên giao diện website.
Không chỉ vậy, trong năm qua, một số ngân hàng lớn trong nước cũng bị hacker "ghé thăm". Trong tháng 5/2016, TPBank đã suýt bị hacker quốc tế lừa đảo, lấy 1,13 triệu USD. Rất may TPBank đã phát hiện kịp thời và lập tức liên lạc với các bên liên quan để ngăn chặn hành động trộm cắp tiền của tội phạm. Đến ngày 5/8/2016, một khách hàng của Vietcombank phát hiện tài khoản của mình tự động có giao dịch chuyển đi 500 triệu đồng. Đây chỉ là những vụ việc điển hình trong khá nhiều vụ xảy ra trong năm 2016. Các vụ việc này cho thấy giới tội phạm công nghệ cao đang hướng đến mục tiêu là các ngân hàng và người sử dụng tại Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo mật thông tin tài khoản ngân hàng.
Liên quan tới việc quản lý thuê bao di động, siết chặt dịch vụ nội dung, tháng 9/2016, Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội đã phát hiện, từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2016, nhiều khách hàng của Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile do không biết mình đang dùng dịch vụ của Sam Media hợp tác với 3 công ty Việt Nam cung cấp nên đã bị mất số tiền gần 230,5 tỷ đồng. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tại thời điểm ngày 19/7/2016 là 93.735 khách hàng, trong đó có nhiều khách hàng khi được hỏi đều không biết mình đang sử dụng dịch vụ bị trừ tiền do Sam Media hợp tác với 3 công ty Việt Nam cung cấp và cho rằng các tin nhắn gửi từ các đầu số đến máy điện thoại của họ hàng ngày là các tin rác, không biết đây là các tin nhắn dịch vụ mất tiền.
Sau vụ việc này, nhiều thuê bao của các nhà mạng đã kiểm tra tài khoản của mình và phát hiện họ bị ngấm ngầm "móc túi" mà không biết. Sau đó, các nhà mạng cũng đã tuyên bố cắt hợp đồng với các đối tác của Sam Media đồng thời ra soát và cắt hàng loạt các đối tác cung cấp nội dung "móc túi" khách hàng.
Trong năm qua, động thái quyết liệt của Bộ TT-TT về xử lý tin nhắn rác, siết chặt quản lý thuê bao đã được dư luận động tình. Chiều 28/10, 5 nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, GTel Mobile và Vietnamobile đã cùng nhau ký cam kết với Bộ TT-TT về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.Bộ TT-TT đã trực tiếp kiểm tra đồng thời việc khóa sim kích hoạt sẵn tại VNPT, Viettel, MobiFone. Lần đầu tiên, 5 doanh nghiệp viễn thông đã cùng cử các cán bộ kỹ thuật để thực hiện giám sát, kiểm tra chéo việc khóa sim của nhau để đảm bảo công bằng, khách quan. Tổng cộng đã có hơn 15 triệu sim kích hoạt sẵn được các nhà mạng khóa và thu hồi...