Chất lượng mạng 4G có như quảng cáo?

Mới đây, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tiến hành đo kiểm chất lượng mạng 4G của 3 đơn vị gồm VinaPhone, MobiFone và Viettel. Dù Cục Viễn thông đã công bố một số tiêu chuẩn đo tốc độ của các nhà mạng nhưng thực tế sử dụng khiến nhiều khách hàng đặt câu hỏi về chất lượng thực sự của mạng 4G.

Khách hàng trải nghiệm công nghệ 4G. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Chất lượng phập phù


Ngay tại các quận nội thành Hà Nội, nơi tập trung nhiều trạm phát sóng thì chất lượng dịch vụ 4G của các nhà mạng vẫn chưa ổn định. Ở nhiều quận trung tâm như: Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên... mạng 4G chập chờn. Lúc vào được mạng 4G thì cước phí tăng phi mã so với mạng 3G.


Anh Hồng Lĩnh ở Nghĩa Đô (Cầu Giấy) cho biết: Ở những điểm ổn định, tốc độ trung bình của mạng 4G tôi đo chỉ đạt khoảng 20Mbps, thỉnh thoảng mới đạt được 30Mbps, còn đến mức 40Mbps theo cam kết của nhà mạng thì hiếm. Bên cạnh đó, việc truyền file dung lượng lớn như video, ảnh ... bằng 4G không cải thiện nhiều so với 3G. Do đó, những quảng cáo về tốc độ của 4G sẽ cao gấp khoảng 7 lần so với 3G, có thể lên tới 40-80Mbps không đúng với thực tế.


Còn bác Lê Thông (Long Biên) cho biết: Chất lượng của mạng 4G còn phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị đầu cuối (smartphone), tuy nhiên khi tư vấn cho khách hàng, nhiều nhà mạng lập lờ không công bố và khuyến khích người dùng đổi sim mạng 4G. Phải đến khi chất lượng truy cập không như quảng cáo, khách hàng hỏi cụ thể, nhân viên các nhà mạng mới tư vấn. Hiện nay, các nhà mạng đang muốn thu hút khách nên dùng nhiều mỹ từ quảng cáo về chất lượng 4G, tuy nhiên, chỉ người dùng mới biết thực sự chất lượng của dịch vụ mạng 4G đến đâu.


Đối với khách hàng sau khi nâng cấp đổi sim 4G nhưng vẫn dùng mạng 3G, nhân viên tiếp thị của các nhà mạng sẽ gọi điện tư vấn đề nghị đổi sang dùng gói cước mạng 4G. Cụ thể, khách hàng sẽ được nâng dung lượng gấp 3 lần nhưng khi hết dung lượng sẽ không sử dụng được mạng 2G và phải mua thêm dung lượng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng ngạc nhiên vì vừa nạp tiền dùng chưa được bao lâu đã hết dung lượng.


Lý giải về điều này, bác Lê Thông, một người am hiểu về công nghệ phân tích: Theo mức giá mà các nhà mạng công bố về cách tính phí khi không dùng gói cước nào mà tự truy cập, giá 50 kb (kilobyte) là 75 đồng. Như vậy 1MB (Megabyte) = 1.024 kb khách hàng phải trả số tiền là (1.024x75)/50=1.536đồng. Như vậ, tải từ mạng về 1MB thì mất 1.536 đồng. Tải một ảnh về hoặc up một ảnh vừa chụp lên mạng với cỡ ảnh 3MB thì đã mất 4.608 đồng. Nghe nhạc trực tuyến khoảng 5 phút mất 72 MB x1.536 = 110.592 đồng. Gửi nhận 1 mail không có file đính kèm mất khoảng 0,25 MB x1.536 = 384 đồng. Lướt facebook , đăng một statut lên facebook không ảnh hết khoảng gần 2 Mb tương đương 3.072 đồng. Chưa kể tải các phần mềm cho các ứng dụng của máy điện thoại di động… Đó là lý do, nếu truy cập internet thường xuyên từ di động sẽ tiêu tốn nhiều dung lượng và bị tính tiền rất đắt.


Do đó, bên cạnh chất lượng mạng 4G còn phập phù nên nhiều người từ chối nâng cấp dùng dịch vụ từ mạng 3G lên 4G.


Bao giờ mới được dùng 4G đúng nghĩa?


Một số chuyên gia công nghệ viễn thông cho rằng: Chất lượng mạng 4G phập phù cũng có thể do có những nơi chưa phủ sóng hết hoặc vào giờ cao điểm tại nơi có mật độ cao cũng có thể có những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng. Việc dùng mạng 4G tốn tiền hơn do tốc độ nhanh hơn khi vào nhiều trang web, tải dữ liệu.


Chất lượng dịch vụ mạng 4G vốn là data (dữ liệu) dựa trên 2 tiêu chí cơ bản là vùng phủ sóng và tốc độ truyền dữ liệu. Cho tới nay, Viettel công bố là 36.000 trạm và dự kiến đạt 40.000 trạm 4G trong năm 2017. VNPT đã triển khai 4G tại 55/63 tỉnh, thành phố, với 14.000 trạm thu phát sóng 4G. Trong đó, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã lắp đặt 2.500 trạm 4G. Còn Mobifone chỉ công bố phủ sóng 4G tại 35 tỉnh thành. Trên thực tế, đây là giai đoạn đầu triển khai hạ tầng dịch vụ 4G nên hiện các nhà mạng vẫn tập trung hạ tầng mạng 4G ở các thành phố lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng và những điểm đông dân cư, du lịch.


Còn về tốc độ truyền dữ liệu, hiện cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT VinaPhone, MobiFone đều triển khai hạ tầng mạng lưới 4G ở băng tần 1.800MHz dùng cho cả 2G, dẫn đến tình trạng buộc phải chia sẻ dung lượng, ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ truyền dữ liệu.



Theo ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại khu vực Đông Dương, sau khi lắp đặt mạng 4G, các nhà mạng phải cần ít nhất 6 tháng để tối ưu mạng lưới, xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh, từ đó mới có thể ổn định chất lượng dịch vụ.



Do cách tính cước cũng như dung lượng như hiện nay của các nhà mạng nên nhiều khách hàng chưa lựa chọn mạng 4G. Đơn cử như mạng VinaPhone đã có 9 triệu thuê bao đổi sim 4G, song mới chỉ có 17% dùng gói cước 4G... Thay vì dùng mạng 4G, khách hàng vẫn lựa chọn mạng 3G để duy trì nhận thông tin, khi cần tải và up dữ liệu lớn sẽ sử dụng khi di động bắt được wifi miễn phí tại nhà hàng, quán cafe, khu vực công cộng và wifi tại các hộ gia đình.


XC/Báo Tin Tức
Dây cáp viễn thông bốc cháy như đuốc trên Quốc lộ 13
Dây cáp viễn thông bốc cháy như đuốc trên Quốc lộ 13

Một bó dây cáp viễn thông bất ngờ bốc cháy ngùn ngụt trên Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) khiến nhiều người đi đường hốt hoảng tháo chạy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN