Tại phiên tòa này, hai bên sẽ tranh luận về việc liệu các mức hoa hồng 15-30% mà Apple thu của các nhà phát triển ứng dụng khi họ sử dụng hệ thống thanh toán trong ứng dụng của hãng này, và việc Apple kiểm soát việc người dùng có thể cài đặt ứng dụng nào, có cấu thành hành vi chống cạnh tranh hay không.
Trong những lý lẽ mà Epic đưa ra, nhà phát hành trò chơi điện tử nổi tiếng Fortnite cho rằng iPhone, với hơn 1 tỷ người dùng, đã tạo ra một thị trường riêng biệt cho các nhà phát triển phần mềm, mà ở đó, Apple nắm giữ thế độc quyền, khi “Táo khuyết” có quyền quyết định cách thức mà người dùng có thể cài đặt phần mềm trên thiết bị của mình. Epic cho rằng Apple đang lạm dụng quyền lực này của mình khi buộc các nhà phát triển phải phân phối phần mềm của mình thông qua cửa hàng ứng dụng App Store, nơi các nhà phát triển phải chịu các khoản phí cho nhiều giao dịch.
Đáp lại, Apple phủ nhận cáo buộc này, cho rằng thị trường phù hợp để phân tích trường hợp này là lĩnh vực rộng hơn liên quan đến hoạt động giao dịch trò chơi điện tử, bao gồm các nền tảng như Nintendo Co Ltd và các sản phẩm tay cầm điều khiển Xbox của Microsoft Corp. Các nền tảng này cũng giới hạn phần mềm nào có thể chạy trên phần cứng của họ và thu phí đối với các nhà phát triển.
Apple cho rằng người tiêu dùng có nhiều lựa chọn khi tiến hành các giao dịch trò chơi điện tử, bao gồm việc mua các thẻ bảo mật (token) ảo từ các nhà phát triển trò chơi trên các nền tảng khác như Windows PC hay sử dụng token trên iPhone và không mất phí cho nhà phát triển.
Thẩm phán quận Yvonne Gonzalez Rogers sẽ phải ra phán quyết về việc khái niệm “thị trường” nào là đúng khi phân tích xem liệu các hành vi của Apple có dấu hiệu chống cạnh tranh hay không.
Vụ việc này bắt đầu vào năm ngoái sau khi Epic cố gắng áp dụng hệ thống thanh toán trong ứng dụng của riêng mình trong trò chơi "Fortnite", và Apple ngay sau đó đã gỡ bỏ trò chơi này khỏi cửa hàng ứng dụng App Store của mình.