Cụ thể, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành lấy mẫu ở những bệnh nhân mắc COVID-19 tại Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh để làm xét nghiệm giải trình tự gene, giúp xác định nguồn gốc.
Tại Vĩnh Phúc lấy 3 mẫu của 3 bệnh nhân mắc COVID-19 là nhân viên quán bar Sunny, kết quả cho thấy họ mắc virus thuộc chủng B.1.617.2, là biến thể của virus tại Ấn Độ.
Tại Hà Nam lấy 6 mẫu, Hưng Yên lấy 2 mẫu, Hà Tĩnh lấy 2 mẫu (2 bệnh nhân mắc COVID -19 từ Lào sang Việt Nam qua đường bộ) đều cho kết quả thuộc chủng B.1.1.7, là virus biến thể tại Anh.
Sáng 4/5, Bộ Y tế có công bố ca bệnh 2.985 có liên quan dịch tễ ngồi gần 2 chuyên gia Trung Quốc trên chuyến bay VN160 từ Đà Nẵng đến Hà Nội ngày 29/4. Liên quan đến ca bệnh này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: Trường hợp được xem là tiếp xúc gần với người bệnh trên máy bay hoặc các phương tiện khác là người ngồi trong phạm vi 2 hàng ghế kế cận. Như vậy, trường hợp ca bệnh 2.985 được tính là tiếp xúc gần và có khả năng bị lây COVID-19 từ ca bệnh khi ngồi trên máy bay.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, môi trường trên máy bay là không gian kín, ngồi gần nhau, nếu không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân thì nguy cơ lây nhiễm cao. Nước ta cũng đã ghi nhận các trường hợp là tiếp viên hàng không mắc COVID-19. Về nguyên tắc, hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang nhưng sẽ có những lúc không đeo. Khi ngồi gần ca bệnh, họ ho, nói chuyện, hắt hơi có thể làm phát tán mầm bệnh. Ngoài ra, mầm bệnh có thể có trên bề mặt tay vịn ghế, nắm cửa nhà vệ sinh… Nếu một người chạm tay vào các bề mặt đó, sau đó đưa lên, mắt, mũi, miệng thì cũng có thể lây nhiễm virus.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo, để phòng, chống dịch COVID-19, ngoài các biện pháp do hãng hàng không áp dụng về vệ sinh, khử khuẩn…, thì bản thân mỗi hành khách cần tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng hộ cá nhân, quan trọng nhất là đeo khẩu trang và khử khuẩn.