Hội nghị triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Theo báo cáo tại hội nghị, nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh là 7.064 căn (trong đó có 5.831 căn xây mới và 1.233 căn sửa chữa), với tổng kinh phí gần 387 tỉ đồng. Tính đến ngày 19/4, có 4.782 căn (4.046 căn xây mới, 736 căn sửa chữa) đã triển khai thực hiện, tăng 4.017 căn so với thời điểm Ban Chỉ đạo họp ngày 5/3.
Số nhà chưa triển khai của các huyện như sau: Mường Tè là 962 căn/1.980 căn; Sìn Hồ 228 căn/1.077 căn; Tân Uyên 135 căn/481 căn; Nậm Nhùn 108 căn/782 căn; Tam Đường 98 căn/654 căn; Than Uyên 28 căn/264 căn; thành phố Lai Châu 23 căn phát sinh/62 căn.
Hiện tại, tỉnh Lai Châu đã huy động được kinh phí để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 6.280 căn nhà (5.354 căn xây mới, 926 căn sửa chữa) tương ứng với kinh phí 349 tỉ đồng từ các nguồn hỗ trợ. Tổng kinh phí còn thiếu gần 38 tỉ đồng, tương ứng với 784 căn. UBND tỉnh Lai Châu đã có văn bản đề nghị Bộ Dân tộc và Tôn giáo tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương hỗ trợ cấp bổ sung kinh phí còn thiếu để tiếp tục thực hiện Chương trình.
Trước mắt, Ban Chỉ đạo yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng 3.240 căn nhà đã khởi công làm mới và sửa chữa ở các huyện, thành phố.
Theo đánh giá, một số khó khăn của Lai Châu khi triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cần giải quyết, đó là: Nhiều khu dân cư ở xa, rải rác, không có đường đi; giá nguyên vật liệu như gạch, cát tăng cao; việc bố trí đất xây dựng... Bên cạnh đó, thời điểm này đang có 4.782 căn được thực hiện xây mới và sửa chữa đồng loạt nên cần nhiều nhân lực về thợ có tay nghề cũng như huy động các lực lượng tập trung cho công việc. Vẫn còn 2.282 căn chưa xây dựng trong khi chỉ còn 2 tháng nữa để hoàn thành kế hoạch. Đây là khối lượng công việc rất lớn nên cần thực hiện nhanh chóng, nghiêm túc và sát sao từ cơ sở.
Trên cơ sở những đánh giá về quá trình tổ chức triển khai thực hiện, những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, các đại biểu tham dự hội nghị đã phát biểu, kiến nghị, đề xuất, thống nhất giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải đề xuất các giải pháp như: Cho khai thác cát, sỏi để thực hiện chương trình nhưng cấp chính quyền cơ sở phải quản lý chặt không để người dân bán ra ngoài; đối với những khu dân cư liền kề đất nông nghiệp có thể linh hoạt chuyển đổi phần đất làm nhà cho dân; huy động các lực lượng, người dân tại thôn, bản, đổi công cho nhau để hoàn thành công việc...
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ nhấn mạnh: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, thể hiện tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động bám sát địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở triển khai thực hiện đúng tiến độ và đúng đối tượng. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan, kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, xử lý phát sinh.