Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm, do tác động của đại dịch COVID-19, dự báo đến cuối năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) chỉ tăng 1,42%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra là 5,4%. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế, có tính khả thi cao để kiểm soát tốt dịch bệnh, sớm khôi phục kinh tế - xã hội. Đồng thời, các ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho nhân dân và doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý có hiệu quả các vấn đề tồn đọng, vướng mắc của doanh nghiệp về lao động, lưu thông hàng hóa đảm bảo sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
Tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành rà soát số lượng lao động ngoài tỉnh về địa phương để có giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho lao động mất việc hậu COVID-19; thực hiện điều tiết, bổ sung lao động cho các doanh nghiệp có nhu cầu cấp thiết về lao động, kể cả việc nghiên cứu nhanh chóng đào tạo nghề cho thanh niên hết hạn nghĩa vụ quân sự để bổ sung cho lực lượng lao động thiết hụt.
Đồng thời, các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách an sinh xã hội không để sót đối tượng cần hỗ trợ; tiếp tục vận động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho các em học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn, trẻ em mồ côi.
Các ngành, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án ngăn mặn, giữ ngọt, các công trình chào mừng kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, 100 năm ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền khẩn trương hoàn chỉnh, triển khai đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh; quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 và tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Song song đó, tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Vĩnh Long, trong 9 tháng của năm 2021, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 9.460 tỷ đồng, đạt 61,3% kế hoạch, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 5.700 tỷ đồng, đạt 76,6% dự toán năm và giảm 9,5% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 40.038 tỷ đồng, giảm 3,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 421 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước…
Hiện tỉnh Vĩnh Long đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 và từng bước đưa địa phương trở lại trạng thái bình thường mới.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, tỉnh đã thành lập 4.092 tổ COVID-19 cộng đồng, 1.690 tổ đi chợ thay ở các xã, phường, thị trấn và 117 tổ an toàn COVID tại các khu, tuyến công nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn được thực hiện theo các phương án: “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, “2 tại chỗ - vùng xanh”…
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ đầy đủ, kịp thời cho các đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ như: Hỗ trợ cho trên 25.790 người lao động với số tiền trên 74,9 tỷ đồng; 3.445 hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động với số tiền trên 10,3 tỷ đồng; 7.100 người bán vé số dạo gặp khó khăn với số tiền gần 20,6 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 13.790 hộ nghèo, cận nghèo với số tiền gần 6,9 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 272.937 người, đạt tỷ lệ 33,1%; tổ chức đón gần 1.000 công dân đang cư trú trên địa bàn TP Hồ Chí Minh về địa phương.