Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh ghi nhận những nỗ lực của ngành Y tế, nhất là việc bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, đảm bảo nhân lực, thuốc để khám chữa bệnh cho nhân dân và thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Dự báo, trong những ngày sắp tới tỉnh sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh yêu cầu các địa phương và ngành Y tế cần tập trung thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, không chủ quan lơ là. Các ngành, địa phương cần bám sát tình hình để có kế hoạch, kịch bản chủ động ứng phó, thống nhất tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Các ngành, các cấp phải thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 song song với việc triển khai các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao. Sở Y tế bám sát tình hình dịch, đánh giá cấp độ dịch tối thiểu 1 lần/tuần để các địa phương, các ngành làm căn cứ điều chỉnh kế hoạch chỉ đạo điều hành, qua đó linh hoạt tổ chức các hoạt động vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế-xã hội diễn ra thuận lợi. Ngành xây dựng các phương án đảm bảo nhân lực, trang bị vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch; tăng cường năng lực khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu điều trị tại nhà của bệnh nhân COVID-19, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Về lâu dài, ngành Y tế cần rà soát lại năng lực của lực lượng y tế tuyến cơ sở cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực… để xây dựng đề án tổng thể chung, qua đó tham mưu tỉnh đầu tư theo lộ trình, vừa đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh thông thường vừa đảm bảo điều trị bệnh nhân COVID-19.
Ngành Y tế cần đẩy nhanh tiến độ Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân; tổ chức tiếp nhận, phân bổ kịp thời vaccine và thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn, đảm bảo sử dụng hiệu quả lượng vaccine được phân bổ. Ngành cần phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát các trường hợp chưa tiêm vaccine, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tiêm phủ vaccine cho tất cả các đối tượng trong diện được tiêm, tăng cường các đội lưu động để tiêm cho các trường hợp khó khăn di chuyển, có bệnh nền... đảm bảo đến cuối quý I/2022 phải hoàn thành tiêm mũi 3 cho người dân. Ngoài ra, ngành cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng phương án tiêm cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi để tiêm ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các địa phương cần rà soát, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch để động viên, khơi gợi tinh thần toàn dân chung tay phòng, chống dịch; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống dịch. Các địa phương không được chủ quan lơ là, buôn lỏng công tác phòng, chống dịch COVID-19 để kiểm soát tình hình, tạo tiền đề ổn định cho việc triển khai các hoạt động phục hồi kinh tế xã hội. Cùng với đó, tích cực phối hợp với ngành Y tế, Giáo dục xây dựng phương án xử lý hiệu quả khi xuất hiện các trường hợp F0, F1 trong trường học để học sinh được đến trường an toàn, hướng đến việc dạy và học trực tiếp thích ứng với tình hình, đảm bảo an toàn sức khỏe chung.
Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, tính từ ngày 30/1 đến ngày 7/2, tỉnh ghi nhận 344 trường hợp mắc COVID-19, trung bình 38 ca/ngày, số ca tử vong là 55 trường hợp. Số ca mắc trong các ngày nghỉ Tết giảm 4 lần so với 9 ngày trước đó, số mắc trung bình giảm từ 155 xuống còn 38 ca/ngày. Số trường hợp tử vong giảm, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 50 tuổi trở lên và đa số có bệnh lý nền. Tuy nhiên, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, hai ngày qua, tỉnh bắt đầu ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng dần. Cụ thể, trong ngày 8/2, toàn tỉnh ghi nhận 88 trường hợp, ngày 9/2 ghi nhận 88 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long nhận định, trong những ngày tới sẽ ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng trở lại. Nguyên nhân là do người dân di chuyển nhiều trong dịp Tết làm gia tăng nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng, một số người chưa tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.