Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo tỉnh các vấn đề liên quan đến hỗ trợ tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh; giải quyết nhanh thủ tục hành chính ở các lĩnh vực đầu tư, xây dựng để sớm đưa dự án đi vào hoạt động; quan tâm hướng dẫn các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp đầu tư vào địa phương thực hiện đúng các thủ tục, quy định chuyên ngành.
Bà Trần Thị Thanh Hưng, Công ty TNHH Lạc Long cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đầu tư vào khu 5, Tuyến công nghiệp Cổ Chiên do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Tháng 3/2021, được sự hỗ trợ của huyện Mang Thít, doanh nghiệp đã thỏa thuận đầu tư thành công hỗ trợ di dời các hộ dân nhưng đến nay vẫn chưa được giao đất. Doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh nhanh chóng thực hiện các thủ tục bàn giao đất để doanh nghiệp sớm đi vào sản xuất, kinh doanh.
Ông Ngô Thành Minh, Giám đốc Hợp tác xã chợ Mỹ An, huyện Mang Thít cho rằng, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ tháng 7 đến tháng 12/2021, chợ Mỹ An có 3 lần phải tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch. Trong thời gian này, chợ thực hiện miễn tiền thuê mặt bằng cho các hộ tiểu thương, do đó ảnh hưởng đến nguồn thu của hợp tác xã. Đến nay, khi tình hình dịch đã cơ bản kiểm soát, nhưng các hộ tiểu thương trở lại hoạt động tại chợ chỉ đạt khoảng 60% và việc kinh doanh, mua sắm rất thấp. Đến hết năm 2022, hợp tác xã sẽ hết hợp đồng giao khoán với địa phương. Do đó, hợp tác xã đề nghị địa phương xem xét cho gia hạn từ 1 đến 2 năm để đơn vị có thể thu hồi được nguồn vốn đã đầu tư thêm cho chợ, cũng như có thêm thời gian chuẩn bị chuyển đổi mô hình hoạt động và đào tạo nguồn lao động cho hợp tác xã trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung cho rằng, mặc dù tình hình dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rất cần chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần nghiêm túc thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Chính phủ trong thực hiện thúc đẩy kinh tế phát triển sau đại dịch COVID-19, nhất là việc miễn, giảm thuế, hỗ trợ vốn vay ưu đãi để khôi phục sản xuất, các chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp mới được thành lập tiếp cận và thực hiện đúng các thủ tục về đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy…; trong đó phát huy vai trò của Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, các ngành, địa phương cần tăng cường các biện pháp đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh để tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp yên tâm hoạt động, cũng như thu hút, kêu gọi đầu tư vào địa phương.
Đối với các kiến nghị của doanh nghiệp nêu ra tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị UBND huyện Mang Thít xem xét cụ thể đối với kiến nghị của Hợp tác xã chợ Mỹ An để có phương án giải quyết phù hợp trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 thời gian qua. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh khẩn trương giải quyết các thủ tục để nhanh chóng bàn giao đất cho Công ty TNHH Lạc Long theo đúng quy định.
"Tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ và xem việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh", Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh.