Theo ông Hoàng Văn Trường, Chủ tịch Hội nông dân xã Tràng Xá, cây bưởi Diễn đã theo chân người dân Hưng Yên “di cư” lên đất Tràng Xá từ khoảng 20 trước. Tuy nhiên khi ấy, ở vùng đất xa xôi hẻo lánh đồi núi nhiều hơn đồng ruộng này, người dân vẫn chủ yếu trồng rừng, trồng ngô,… nên cây bưởi Diễn chưa được quan tâm.
Đến năm 2010, Hội làm vườn Thái Nguyên đã triển khai chương trình phát triển cây ăn quả đặc sản bưởi Diễn theo hướng VietGAP tại Tràng Xá, với diện tích ban đầu 8 ha. Do hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cây bưởi Diễn ra hoa, kết trái cho quả ngọt, thơm, mọng nước, vỏ lại mỏng,…chất lượng không thua kém so với bưởi được trồng tại các vùng như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang,… nên được thị trường ưa chuộng, giá thành cao.
Loay hoay mãi với bài toán chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi để dân thoát khỏi nghèo đói, thấy cây bưởi có tiềm năng lợi thế, cây lại hợp đất, hợp khí nên chính quyền và nhân dân Tràng Xá đã lựa chọn nhân rộng. Từ năm 2015, từ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, dự án giảm nghèo, chính quyền xã Tràng Xá đã thực hiện tập huấn kỹ thuật chăm sóc bưởi, hỗ trợ phân bón, cây giống bưởi Diễn cho các hộ nghèo, cận nghèo trồng đại trà, coi đây là cây trồng mũi nhọn để xóa đói giảm nghèo.
Đến nay, diện tích bưởi ở Tràng Xá đạt trên 350 ha, phân bố ở các xóm Lò Gạch, Hợp Nhất, Thắng Lợi,… cho thu nhập từ 300- 500 triệu đồng/ha/năm. Bưởi đến vụ thu hoạch được thương lái đến tận vườn thu mua với giá dao động từ 15.000- 40.000 đồng/quả, xuất bán đi khắp các tỉnh thành Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên…
Là một trong những hộ gia đình tham gia dự án trồng bưởi của Hội làm vườn Thái Nguyên từ năm 2010, đến nay gia đình ông Hoàng Văn Hãn, xóm Thắng Lợi, xã Tràng Xá đã có 2,5 ha trồng bưởi. Ông Hoàng Văn Hãn cho biết, ban đầu theo dự án của Hội làm vườn tỉnh tôi trồng vài trăm gốc, thấy hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông đã phá bỏ vườn tạp chuyển sang trồng bưởi Diễn, bưởi Hoàng, bưởi da xanh.
Hiện nay, diện tích bưởi Diễn đã cho thu hoạch mỗi năm khoảng 300 triệu đồng, các giống bưởi Hoàng, bưởi da xanh cũng bắt đầu cho quả, chất lượng quả cũng không hề thua kém bưởi vùng khác… Điều này cho thấy, vùng đất đồi núi Tràng Xá phù hợp cây bưởi.
Cũng trồng bưởi từ những năm 2013, đến nay, gia đình ông Triệu Văn Vị, Bí thư chi bộ xóm Hợp Nhất đã có vườn bưởi Diễn rộng hơn 2 ha cho doanh thu hơn 300 triệu đồng/năm. Theo ông Vị, bưởi là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, lại ít sâu bệnh, sau khi trồng, từ năm thứ ba trở đi cây bắt đầu ra quả, mỗi cây sẽ cho trung bình từ 40- 60 quả, các cây trồng lâu năm sẽ cho nhiều quả hơn từ 100- 200 quả.
Hiện nay, các hộ dân tại Tràng Xá không chỉ trồng bưởi Diễn mà thêm bưởi Hoàng, bưởi da xanh,.. trước mỗi vụ thu hoạch thương lái thường đến tận vườn đặt tiền trước để mua cả vườn. Để nâng cao chất lượng bưởi trên đất Tràng Xá, Chi Cục quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản Thái Nguyên đã thực hiện hỗ trợ nhân dân trồng bưởi theo hướng VietGAP.
Ông Chu Thanh Phong, Tổ trưởng tổ trồng bưởi VietGAP Tràng Xá cho biết, tổ VietGAP được thành năm 2017, lúc đầu chỉ có 5 thành viên, nay đã tăng lên 112 thành viên. Các thành viên được các kỹ sư ngành nông nghiệp tập huấn kỹ thuật trồng bưởi theo hướng VietGAP, chứng nhận, dán nhãn cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Theo ông Dương Sơn Hà, Chi cục trưởng Chi Cục quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản Thái Nguyên, việc phát triển cây trồng theo hướng VietGAP góp phần nâng cao chất lượng, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, tại Tràng Xá đã có gần 80 ha bưởi được cấp chứng nhận VietGAP, dán nhãn sản phẩm.
Bưởi Diễn Tràng Xá giờ đã trở thành cây ăn quả đặc sản tại huyện miền núi Võ Nhai, góp phần đưa người dân vươn lên làm giàu, nay Tràng Xá đã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 9,4%/năm.