Chương trình do Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Công ty Boehringer Ingelheim Việt Nam tổ chức nhằm hưởng ứng mục tiêu "Không còn ai chết vì bệnh dại vào năm 2030" của Chính phủ Việt Nam.
Hơn 60 sinh viên chuyên ngành thú y Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh tham gia chương trình "Tiêm phòng dại vì cộng đồng" năm 2025 tại huyện Đức Huệ (tỉnh Long An). Ảnh: CTV
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An, chương trình đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác kiểm soát bệnh dại tại huyện Đức Huệ, góp phần bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân. Sau 4 năm triển khai, có hơn 33.000 con chó và mèo đã được tiêm phòng, giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh dại trong cộng đồng. Năm nay, chương trình dự kiến tiêm phòng miễn phí cho khoảng 8.500 con chó, mèo trên địa bàn huyện Đức Huệ trong khoảng thời gian từ ngày 19/4 đến ngày 26/4.
PGS.TS Lê Quang Thông, Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, bệnh dại hoàn toàn có thể kiểm soát và loại trừ được nếu có chiến lược tiếp cận bài bản và đồng bộ. Việc kết hợp tiêm phòng diện rộng, truyền thông giáo dục cộng đồng và giám sát vật nuôi là chìa khóa để tạo ra những thay đổi tích cực trong thái độ của người nuôi.
Các bạn sinh viên sẽ đi tiêm vaccine miễn phí cho chó, mèo với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để hướng tới loại bỏ bệnh dại. Ảnh: CTV
"Những thay đổi trong thái độ của người nuôi như chủ động tiêm phòng, hợp tác với thú y là nền tảng vững chắc để xây dựng hệ thống phòng dịch bền vững cho cả người và vật nuôi. Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tổ chức chuyên môn, doanh nghiệp, bác sĩ thú y và cộng đồng là yếu tố then chốt để tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh dại", PGS.TS Lê Quang Thông khẳng định.
Với vai trò là đối tác chuyên môn, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu mà còn cử 62 sinh viên thú y được đào tạo bài bản, cùng 8 giảng viên tham gia chiến dịch hàng năm. Ngoài nhiệm vụ tiêm phòng, các bạn sinh viên còn tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại và tầm quan trọng của việc tiêm phòng định kỳ cho thú nuôi.
Chương trình dự kiến tiêm phòng miễn phí cho khoảng 8.500 con chó, mèo trên địa bàn huyện Đức Huệ trong khoảng thời gian từ ngày 19/4 đến ngày 26/4. Ảnh: CTV.
Ông Niklas Birkner, Tổng Giám đốc công ty Thuốc Thú Y Boehringer Ingelheim Việt Nam cho biết, các chiến dịch tiêm phòng trong 5 năm qua đã chứng minh, khi động vật khỏe mạnh, con người cũng khỏe mạnh hơn. Theo đó, để loại trừ bệnh dại một cách bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên môn, doanh nghiệp đến cộng đồng.
Theo đó, Boehringer Ingelheim Việt Nam cam kết tiếp tục mang đến những giải pháp y tế tiên tiến, đồng thời không ngừng đồng hành cùng các đối tác để thúc đẩy nhận thức, lan tỏa hành động thiết thực và từng bước hiện thực hóa mục tiêu "Không còn ai tử vong vì bệnh dại vào năm 2030" của Chính phủ.
"Với chúng tôi, mỗi mũi tiêm phòng không chỉ là hành động để bảo vệ vật nuôi mà còn là một bước tiến quan trọng trong hành trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam", ông Birkner khẳng định.
Các bạn sinh viên tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng tiêm vaccine định kỳ cho thú nuôi. Ảnh: BV
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới ghi nhận khoảng 59.000 người tử vong vì bệnh dại. WHO cũng khuyến nghị tỷ lệ tiêm phòng chó mèo cần đạt tối thiểu 70% ở các khu vực có nguy cơ để đảm bảo hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh dại lây sang người. Dù đã đạt được một số tiến bộ trong công tác phòng chống và đẩy lùi bệnh dại, Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận từ 70 đến 100 trường hợp tử vong do bệnh dại mỗi năm.
Trong năm 2024, cả nước ghi nhận gần 300 ổ dịch trên chó, mèo tại 36 tỉnh, thành. Chỉ trong quý đầu 2025, đã có 64 ổ dịch tại 24 địa phương, trong đó huyện Đức Huệ, tỉnh Long An cũng đã ghi nhận 3 ca.