Công trình khi đi vào hoạt động không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân trong vùng, mở ra khả năng liên kết, liên vùng trong phát triển kinh tế - xã hội; mà còn đáp ứng nhu cầu từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông vùng vành đai phía Bắc Quảng Nam kết nối với thành phố Đà Nẵng.
Giám đốc điều hành dự án, Kỹ sư Nguyễn Văn Hòa cho biết: Dự án đường nối ĐT.609C đến Quốc lộ 14B tổng chiều dài gần 4km, có điểm đầu giao với đường ĐT.609C tại Km7+250, từ xã Đại Minh, qua xã Đại Phong, điểm cuối giao Quốc lộ 14B tại Km42+413, xã Đại Quang (huyện Đại Lộc). Trong đó, phần đường dài 2,87km đường bê - tông nhựa, nền đường 9m, mặt đường 8m và cầu An Bình bắc qua sông Vu Gia dài hơn 1km. Dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam làm chủ đầu tư, có tổng mức vốn 550 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 9/2024. Việc đầu tư xây dựng đường nối ĐT.609C đến Quốc lộ 14B kết sức cấp thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại, phục vụ sản xuất của nhân dân; từng bước xóa bỏ các bến đò ngang, giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy; hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Với tầm nhìn xa về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đường nối ĐT.609C đến Quốc lộ 14B mà điểm nhấn là cầu An Bình, Bí thư huyện ủy Đại Lộc (Quảng Nam) Nguyễn Hảo phân tích: Đại Lộc có hai dòng sông là Vu Gian và Thu Bồn chảy qua với chiều dài hơn 60 km, nhưng mới chỉ có 2 cây cầu bắt qua sông Vu Gia là cầu Hà Nha và cầu Tân Đợi. Thực tế cho thấy hai cây cầu này chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Đặc biệt, trước yêu cầu mới để phát triển kinh tế- xã hội, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, để thuận lợi trong liên kết vùng, quy hoạch, bố trí sắp xếp lại dân cư, không gian nông thôn, đô thị, khai thác lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Vì vậy có thể khắng định rằng, cầu An Bình không chỉ là công trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn huyện mà còn mang nhiều ý nghĩa về chính trị và kinh tế. Khi hoàn thành, cầu An Bình sẽ góp phần giải quyết những vấn đề dân sinh, xóa đi những mối tiềm ẩn về tai nạn giao thông trong mùa mưa lũ, góp phần giảm lưu lượng và rút ngắn khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh. Ngoài ra, cầu An Bình còn mở ra cơ hội kết nối phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tạo thêm động lực phát triển kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch của địa phương.
“Trong tương lai không xa, cùng với các công trình như cầu Sông Thu, cầu Vân Ly được xây dựng và đưa vào sử dụng, dự án đường nối ĐT.609C đến Quốc lộ 14B và cầu An Bình sẽ góp phần đắc lực trong việc góp phần từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ ở vành đai phía Bắc Quảng Nam với thành phố Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi để Đại Lộc phát triển giao thương, không ngừng cải thiện đời sống cho người dân”, Bí thư huyện ủy Đại Lộc Nguyễn Hảo kỳ vọng.
Với vai trò là vành đai hạ tầng giao thông Bắc Quảng Nam của cầu An Bình và đường nối ĐT.609C đến Quốc lộ 14B, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã nhấn mạnh: Đường nối từ ĐT.609C đến Quốc lộ 14B có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, giúp nhân dân 13 xã ở vùng B và vùng C của huyện Đại Lộc đi lại thuận lợi; chủ động phát triển kinh tế và phòng chống thiên tai, mưa lũ hằng năm. Vì vậy các đơn vị thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát công trình hoàn thành công trình đúng tiến độ, đạt chất lượng, mỹ thuật, kỹ thuật, nhất là phải thi công xong phần hạ bộ cầu trước mùa mưa bão năm 2022.
Ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án và cầu An Bình, suốt một năm qua, không khí lao động trên công trường cầu An Bình luôn hết sức khẩn trương. Các đơn vị tham gia thi công cũng vượt qua nhiều khó khăn như khan hiếm về nguồn vật liệu đất dắp nền, giá cả vật tư, nhiên nhiệu tăng cao để tập trung thi công công trình.
Đến nay, hạng mục chính là cầu An Bình công đã đạt trên 50% khối lượng. Mặt khác, tuy dự án có sự ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trong vùng nhưng vì mục tiêu chung, dự án đã nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân vùng dự án. Hơn 300 hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án đều có sự đồng thuận cao trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Vì vậy có thể khẳng định rằng, tiếp theo sau hiệu quả kinh tế - xã hội đã được khẳng định của cầu Giao Thủy, cầu Hà Nha và không xa nữa là cầu Sông Thu; cầu An Bình khi đưa vào sử dụng sẽ kết nối tuyến nối ĐT.609C đến Quốc lộ 14B, hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng, từng bước hoàn thiện vành đai hạ tầng giao thông cho cả vùng Bắc Quảng Nam rộng lớn./.