Ứng dụng công nghệ thông tin sẽ cảnh báo sớm thiên tai hiệu quả hơn

Ngày 4/10, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn do ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Tiền Giang về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hải Anh đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Tiền Giang trong công tác chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt tỉnh có phương án cụ thể, phù hợp tình hình thực tế địa phương, cụ thể hóa được phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó với thiên tai, bão lũ, triều cường hiệu quả cao. Ông Nguyễn Hải Anh lưu ý, kết quả trên là kinh nghiệm mà địa phương cần đúc kết để áp dụng vào thực tiễn trong thời gian tới, nhằm ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả hơn.

Đặc biệt, Tiền Giang cần quan tâm ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong việc cảnh báo sớm, cảnh báo từ xa bão lũ và thiên tai một cách chủ động để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của lực lượng thanh niên xung kích Chữ thập đỏ và mạng lưới Hội Chữ thập đỏ địa phương đóng góp tích cực, hiệu quả trong các hoạt động ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Qua các phương tiện thông tin đại chúng chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai cũng như triển khai tốt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”… Tỉnh quan tâm kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp đảm bảo ứng phó hiệu quả các tình huống bất trắc xảy ra; đồng thời tích cực hoàn chỉnh bộ máy và cơ cấu tổ chức Quỹ Phòng chống thiên tai, tổ chức thu và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn quỹ này.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc.

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang Ưng Hồng Nghi cho biết, công tác phòng, chống thiên tai được địa phương xác định là một nhiệm vụ cấp bách, đặc biệt quan trọng, được lãnh đạo tỉnh, các đoàn thể và cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Hằng năm, Tiền Giang chú trọng kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai cụ thể từng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025, nhất là xây dựng và triển khai thực hiện ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai theo Sổ tay hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 02/QĐ-TWPCTT ngảy 18/02/2020 của Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai.

Tiền Giang xây dựng phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai, trong đó lực lượng huy động ứng phó khi thiên tai xảy ra trên 13.000 người gồm bộ đội biên phòng, công an, quân sự và các lực lượng tại chỗ khác, chuẩn bị trên 10.000 phương tiện ứng cứu các loại. Toàn tỉnh thành lập và củng cố được 172 đội thanh niên xung kích ở 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh, mỗi đội từ 80 đến 130 thành viên.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống thiên tai được chú trọng với hệ thống tin nhắn SMS của cấp tỉnh gồm 500 đầu số đã phát huy rất tốt hiệu quả trong việc truyền tải các thông tin chỉ đạo, điều hành, ứng phó, cảnh báo thiên tai. Các thông tin về phòng, chống thiên tai còn được chuyển tiếp đến các ngành, địa phương bằng những hình thức khác như: email, hệ thống quản lý văn bản VNPT, fax, điện thoại, các ứng dụng trực tuyến trên mạng xã hội...

Bên cạnh những thành tựu trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tình hình sạt lở bờ sông ngòi, kênh rạch, sạt lở bờ biển tại tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Toàn tỉnh hiện có hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ đòi hỏi nguồn kinh phí lớn để khắc phục nhưng ngân sách địa phương còn hạn chế. Tiền Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục 4 điểm sạt lở lớn, phức tạp, cấp bách với kinh phí khoảng 700 tỷ đồng cũng như hỗ trợ đầu tư đồng bộ các công trình ngăn mặn, trữ ngọt, hoàn thiện mạng lưới công trình thủy lợi, cống đập phòng, chống thiên tai cho những vùng sản xuất trọng điểm.

Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai - Kinh nghiệm của Quảng Nam
Ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai - Kinh nghiệm của Quảng Nam

Chưa từng có một trận bão lớn nào đi qua mà các cấp ủy, chính quyền và người dân Quảng Nam lại "thở phào nhẹ nhõm" như bão số 4 vừa qua. Bão số 4 được xác định là cơn bão lịch sử, mức độ tàn phá khủng khiếp khi đi vào vùng biển và đất liền. Thế nhưng, cả một vùng đất rộng lớn hơn 10.500 km2, bờ biển dài hơn 125 km và vùng biển rộng lớn, ngư trường của hàng vạn lao động đã không có thiệt hại đáng tiếc nào về người, thiệt hại về tài sản cũng không nặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN