Báo cáo của UBND thành phố Pleiku về kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2024: Trong năm 2022, thành phố đã hỗ trợ 44 con bò giống cho 26 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo, 1 hộ mới thoát nghèo (trong đó, 39 hộ dân tộc thiểu số, 5 hộ là phụ nữ nghèo).
Trong năm 2023, thành phố Pleiku tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trực tiếp hỗ trợ 28 con heo giống, 54 con bò cái lai sinh sản, 46 máy cắt cỏ, 4 máy bơm nước, 2 máy phun thuốc, 14 máy xới cho 38 hộ nghèo, 77 hộ cận nghèo và 16 hộ thoát nghèo. Trong đó, 72 hộ dân tộc thiểu số, 32 hộ là phụ nữ với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.
Đánh giá về công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku, ông Nguyễn Hữu Sung, cho biết: Việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đã góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh, vệ sinh, tiếp cận thông tin).
Sau 3 năm triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 346 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 0,56% còn 149 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 0,24% (năm 2022 vượt 0,09% so với Kế hoạch 314/KH-UBND ngày 22/02/2022 của UBND tỉnh, năm 2023 vượt 0,08% so với kế hoạch 64/KH-UBND ngày 09/01/2023).
Các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã hỗ trợ trực tiếp đến người dân như khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ sản xuất, vay vốn… qua đó giúp cho nhân đân thành phố Pleiku nói chung và hộ nghèo nói riêng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất làm cơ sở cho công tác giảm nghèo ngày một bền vững.
Các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện toàn diện, kịp thời, đảm bảo quy định. Chính sách cho vay ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo thiếu vốn sản xuất đã kích thích sản xuất phát triển, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Các chương trình, dự án lồng ghép đã góp phần đáng kể trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo; người nghèo được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, hỗ trợ học phí… Ngoài ra, hàng năm ngân sách địa phương đã kịp thời cứu trợ thường xuyên, đột xuất, cứu đói trong thời gian giáp hạt không để người dân thiếu đói, tạo được sự ổn định về đời sống dân sinh trên địa bàn.