Trước đó, Nhà máy này đã nhiều lần phải tạm ngừng hoạt động do thiếu kinh phí.
Ngày 24/10 tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, bà Bùi Thị Hương Duyên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Môi trường Năng Lượng Xanh (đơn vị chủ quản Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường) cho biết: Đến thời điểm này, Công ty đã rơi vào tình trạng kiệt quệ về tài chính, có thể phải ngừng hoạt động vì không đủ chi phí xử lý rác thải hằng ngày. Trước đây doanh nghiệp được thanh toán đơn giá xử lý chất thải rắn là 461.000 đồng/tấn.
Tháng 4/2024, UBND thành phố Đà Lạt mời đại diện Công ty đến làm việc, thông báo chỉ cho tạm ứng với mức giá 129.500 đồng/tấn chất thải rắn. UBND thành phố không có văn bản mà chỉ thông báo do Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào kiểm tra dự án, xác định mức chi trả này không đúng quy định.
Trước tình hình trên, từ tháng 6/2024 đến nay, Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường đã 2 lần ngừng tiếp nhận rác thải từ thành phố Đà Lạt vào để xử lý. Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của thành phố. Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt đã phải vận động doanh nghiệp tiếp tục cho Nhà máy hoạt động vì một thành phố du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, không thể để rác thải ngập trên đường phố. Bà Bùi Thị Hương Duyên cho biết: Vì vậy mà công ty cố gắng duy trì hoạt động của Nhà máy, nhưng đến nay đã hết nguồn kinh phí hoạt động, lâm vào cảnh nợ nần và có nguy cơ vỡ nợ…
Bà Bùi Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Sở Tài chính Lâm Đồng cho biết, khi xin cấp Giấy phép đầu tư, hồ sơ của chủ đầu tư xây dựng phương án xử lý rác bằng công nghệ yếm khí. Tuy nhiên trên thực tế, chủ đầu tư lại sử dụng công nghệ đốt hoàn toàn. Hai công nghệ xử lý rác này có 2 đơn giá thanh toán cho mỗi tấn rác thải khác nhau.
Chính vì điều này mà khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương tới kiểm tra dự án, đã phát hiện ra lỗi trên và có kết luận yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chi trả theo đúng quy định. Theo quy định, nếu nhà máy xử lý theo công nghệ đốt hoàn toàn sẽ được chi trả đơn giá 461.000 đồng/tấn. Trên thực tế, nhà máy chỉ đốt từ 30 - 50% tùy từng đợt rác chuyển vào, còn lại xử lý theo hướng công nghệ vi sinh. Nên phần rác xử lý theo công nghệ không đốt, Công ty phải lập phương án để được Sở Tài chính thẩm định, thanh toán theo mức quy định…
Ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ với khó khăn mà doanh nghiệp đang vướng phải. Tuy nhiên tình trạng trên xảy ra, lỗi ban đầu thuộc về doanh nghiệp không tuân thủ đúng các nội dung trong Giấy phép đầu tư. Nhưng nếu thực hiện theo công nghệ đã đăng ký ban đầu, thì sản phẩm phân vi sinh được Công ty sản xuất ra rất khó tiêu thụ do gây ô nhiễm môi trường.
Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra lỗi của dự án hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên hiện tại, nhà máy cũng không thể dừng hoạt động, do đó cả 2 bên chính quyền và doanh nghiệp phải cùng nhau tìm ra phương án tốt nhất để tháo gỡ. Trước mắt UBND tỉnh giao Sở Tài chính tiếp tục hoàn thiện phương án về giá, sớm có kinh phí để Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường hoạt động bình thường.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường được xây dựng trên diện tích 28ha, tại xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt. Nhà máy chính thức hoạt động từ năm 2015; đang hoạt động với 3 dây chuyền tách lọc, 3 lò đốt, công suất xử lý bình quân 350 tấn rác/ngày đêm. Từ năm 2020 đến tháng 10/2023, Nhà máy đã xử lý gần 376.000 tấn rác cho thành phố Đà Lạt. Theo cam kết của chủ đầu tư, nhà máy sẽ áp dụng các quy trình xử lý rác hiện đại, đồng thời sản xuất phân vi sinh, gạch block, hạt nhựa, dầu DO… Tuy nhiên đến thời điểm này, việc đầu tư còn rất hạn chế, vẫn chỉ dừng lại ở giai đoạn xử lý phân loại, tách lọc và đốt rác.
Giai đoạn 2017 - 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định phê duyệt đơn giá từ 336.000 đồng đến 461.000 đồng/tấn rác, áp dụng tùy thời điểm. Theo phía công ty, việc áp dụng đơn giá xử lý rác như trên là phù hợp với giá cả của thị trường dịch vụ xử lý rác thải và quy trình, công nghệ xử lý rác tại nhà máy.