Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến ngày 26/10, mã số vùng trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được cấp là 187 mã số với diện tích 17.396 ha; trong đó, gồm 54 mã số vùng trồng mít với diện tích 8.233 ha, 77 mã số vùng trồng thanh long với diện tích 6.090, 32 mã số vùng trồng xoài với diện tích 1.579 ha, 12 mã số vùng trồng vú sữa với diện tích 73 ha, 5 mã số vùng trồng dưa hấu với diện tích 819 ha, 3 mã số vùng trồng chôm chôm với diện tích 389 ha, 2 mã số vùng trồng nhãn với diện tích 121 ha và 2 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 93 ha.
Mã số vùng trồng được cấp sang thị trường Trung Quốc là 95 mã số, diện tích 16.305 ha với 7 chủng loại cây trồng như mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chôm chôm, nhãn và sầu riêng. Riêng mã số vùng trồng được cấp sang thị trường khó tính (Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia, New Zealand) là 92 mã số vùng trồng với diện tích 1.091 ha cùng 5 chủng loại cây trồng gồm thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn và vú sữa.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang) là đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đồng thời, kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đã được cấp để đề nghị Cục Bảo vệ thực vật bổ sung, thu hồi hoặc hủy mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục hướng dẫn duy trì và mở rộng các diện tích cây ăn trái đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, tăng cường chuyển giao các tiến bộ mới trong sản xuất, nhất là việc sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, ít độc, đảm bảo thời gian cách ly. Đặc biệt là hướng dẫn nhà vườn và doanh nghiệp sản xuất, thu mua xuất khẩu, đặc biệt trên sầu riêng quản lý tốt các loài sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh sản xuất sầu riêng theo hướng an toàn; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền nội dung Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, để hướng dẫn địa phương và nhà vườn trồng sầu riêng chủ động sản xuất đáp ứng các quy định của Trung Quốc.
Ngoài ra, ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục cấp mã số vùng trồng sầu riêng phục vụ xuất khẩu theo quy định của Cục Bảo vệ thực vật và Nghị định thư. Thường xuyên theo dõi, liên hệ các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và nông dân trong vùng được cấp mã số nhằm kịp thời hướng dẫn hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhập khẩu và nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến, định hướng của ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang là sẽ mở rộng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh; trong đó, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát duy trì các diện tích cây ăn trái đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, đơn vị cũng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mở rộng hoặc cấp mới mã số vùng trồng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu chính ngạch.