Không hệ thống báo cháy, chữa cháy cố định, không hệ thống máy bơm chữa cháy, hệ thống đèn chỉ dẫn chiếu sáng sự cố; hệ thống chống sét, giao thông không đảm bảo cho xe chữa cháy hoạt động và việc sử dụng nguồn nhiệt không đảm bảo… là thực trạng hiện nay tại Chợ Cẩm Phong, thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy. Chợ Cẩm Phong là chợ hạng 3, họp thường xuyên các ngày trong tháng, được đầu tư xây dựng từ năm 1950; diện tích đất 2.943 m2, được cải tạo và nâng cấp nhà chợ chính năm 1996. Đến nay, sau hàng chục năm hoạt động, cơ sở vật chất trong chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, mái lợp nhà chợ chính và các ki ốt đã dột nát, xiêu vẹo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn về phòng, chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường.
Đến năm 2020, chợ Cẩm Phong tiếp tục được UBND thị trấn Phong Sơn sửa chữa, gia cố tạm thời có thể hoạt động phục vụ nhu cầu giao thương của nhân dân trong vùng. Tuy nhiên, đây là khu chợ sầm uất với khối lượng hàng hóa lớn, kinh doanh nhiều mặt hàng dễ gây cháy nổ như: vải, áo quần, mùng mền, nhôm, nhựa, hương đèn, vàng mã, tạp hóa... trong khi hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa được đầu tư đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về cháy nổ.
Ông Đỗ Quốc Tùng, quản lý chợ Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy cho biết, do chợ xây dựng từ lâu, các hạng mục xuống cấp, trong khi kinh phí đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy quá lớn. Để hạn chế những bất cập hiện nay, Ban Quản lý chợ tăng cường tuyên truyền cho các tiểu thương về nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, gây thiệt hại về người và tài sản. Hiện tại, mỗi ki ốt đều được trang bị một bình chữa cháy mini, nhưng chỉ ứng phó được với những đám cháy quy mô nhỏ. Dịp cận Tết, hàng hóa về chợ nhiều, trong đó nhiều mặt hàng có nguy cơ cháy nổ cao như hàng mã, quần áo, đồ gia dụng… tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ông Tùng mong muốn thời gian tới, chợ sẽ được đầu tư xây dựng mới và có hệ thống phòng cháy, chữa cháy đạt tiêu chuẩn để các tiểu thương yên tâm kinh doanh.
Ông Hoàng Thế Hiền, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cẩm Thủy cho biết, huyện hiện có 14 chợ dân sinh, các chợ trên địa bàn là chợ tạm và chợ hạng 3, phần lớn là chợ phiên họp 2 buổi/tuần; ít hoạt động vào buổi chiều và tối. Để thực hiên tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, UBND các xã, thị trấn, Ban Quản lý chợ đã làm tốt công tác lập hồ sơ quản lý, theo dõi các hoạt động về phòng cháy ,chữa cháy theo quy định; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ; niêm yết nội quy, tiêu lệnh, biển cấm lửa, cấm hút thuốc tại các vị trí có nguy cơ cháy, nổ cao. Ban Quản lý các chợ thường xuyên tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho các tiểu thương kinh doanh trong khuôn viên chợ; tổ chức cho các tiểu thương ký cam kết đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các vị trí, khu vực kinh doanh của mình. Tuy nhiên, tất cả các phương án trên đều là tạm thời. Về lâu dài, các chợ cần phải được quy hoạch lại và có hạng mục phòng cháy, chữa cháy đủ tiêu chuẩn để chủ động ứng phó với các nguy cơ về cháy nổ…
Chợ Phố 1, thị trấn Ngọc Lặc được đầu tư và đưa vào sử dụng ổn định từ tháng 2/2020, với quy mô 130 đến 150 gian hàng, mặc dù chợ đã được đầu tư trang thiết bị về phòng cháy, chữa cháy như bình cứu hỏa mini, hệ thống bể chứa, báo cháy tự động… Tuy nhiên, những ngày giáp Tết, hàng hóa về chợ nhiều, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, Ban Quản lý chợ đã tăng cường tuyên truyền để bà con tiểu thương nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, hết giờ kinh doanh, các hộ phải ngắt nguồn điện trong khu vực, tuyệt đối không tự ý câu mắc theo đường dây dẫn điện các thiết bị tiêu thụ điện như: quạt, đèn, tivi, bếp điện… dẫn đến hiện tượng quá tải, gây cháy. Bên cạnh đó, Ban Quản lý chợ thường xuyên kiểm tra việc sắp xếp, bố trí hàng hóa tại các quầy, sạp của các hộ kinh doanh.
Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ngọc Lặc cho biết, địa bàn huyện hiện có 17 chợ dân sinh, tập trung chủ yếu ở trung tâm các xã. Với đặc thù miền núi nên để có kinh phí hàng trăm triệu đồng đầu tư cho hệ thống phòng cháy, chữa cháy là rất khó khăn. Ông Tuấn mong muốn Nhà nước có phương án kiểm tra, rà soát các chợ, đồng thời có kinh phí hỗ trợ các địa phương cải thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại các chợ này.
Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa hiện có 319 chợ, trung tâm thương mại; trong đó có 226 chợ kiên cố, bán kiên cố, 41 chợ tạm. Phần lớn các chợ truyền thống trên địa tỉnh đã được đầu tư lâu, nhiều chợ đã xuống cấp. Trong khi đó, vào dịp giáp Tết, hàng hóa tập kết tại các chợ tương đối lớn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Để nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống cháy nổ, ngoài sự nỗ lực của lực lượng chức năng, các tiểu thương và người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa, chủ động phòng ngừa, quyết tâm không để xảy ra cháy nổ trên địa bàn.