Hiến đất mở đường trị giá hàng trăm tỷ đồng
Chỉ tính riêng năm 2023, huyện vùng cao, biên giới Si Ma Cai - một trong 74 huyện nghèo của cả nước đã vận động được 1.260 hộ dân hiến trên 73 ha đất trị giá 83 tỷ đồng để làm đường giao thông.
Lùng Thẩn thuộc xã khó khăn của huyện Si Ma Cai với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Mặc dù đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, song năm 2023, xã đã thực hiện giải phóng mặt bằng đối với 18 hạng mục công trình dự án; trong đó cả 18 dự án là vận động người dân hiến đất, đã có khoảng 288 hộ dân hiến đất làm đường với tổng diện tích đạt khoảng 90.000 m2.
Trước khi triển khai phong trào, nhìn chung diện tích mặt đường khá hẹp, có nơi chỉ rộng hơn 4 mét; 2 bên đường có mương, ao hồ thậm chí có nơi người dân xây dựng nhà cửa và trồng cây ăn quả, tường rào giáp đường nhưng phần lớn đều thuộc đất thổ cư của các hộ dân. Đảng ủy, chính quyền xã xác định để có các tuyến đường giao thông nông thôn đạt chuẩn theo tiêu chí quốc gia thì phải vận động các hộ dân tự nguyện dịch tường, hiến đất, vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động, vật kiến trúc… mới đảm bảo đủ nguồn lực về kinh phí, nhân lực để mở rộng lòng lề đường.
Để việc vận động được thực hiện tốt, Đảng ủy xã chỉ đạo UBND xã đã thực hiện tốt quy chế dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn cho biết, mọi vấn đề đều được đưa ra bàn bạc dân chủ đến mọi hộ dân trong cuộc họp thôn, cuộc họp đột xuất để người dân thảo luận cụ thể về từng nội dung công việc, kinh phí thực hiện, nguồn vốn hỗ trợ cấp trên và người dân hiến đất bao nhiêu, công việc nào người dân đảm nhận được, phần việc nào phải đi thuê.
Ngoài ra, Đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các chi bộ chọn một số đảng viên, dòng họ, người có uy tín gương mẫu, tiêu biểu đi đầu trong việc hiến đất, công trình và tài sản để mở rộng đường giao thông nông thôn, làm cống rãnh đảm bảo vệ sinh môi trường và thuận lợi trong giao thông. Từ đó, biểu dương và nhân rộng các gương tiêu biểu này trong toàn thể thôn bản, dòng họ.
Trong quá trình vận động, có nhiều hộ dân tích cực ủng hộ như hộ ông Vàng Seo Chủ, Giàng Seo Nếnh, Hảng Seo Dìn, Thào Seo Chùa... là các hộ dân tự nguyện hiến từ 5.000 – 9.000 m2 đất nông nghiệp, đất ruộng để làm đường giao thông nông thôn. Hay gia đình anh Lùng Lìn Thân, thôn Seng Sui, cũng là một trong những hộ tiên phong hiến đất. Khi có chủ trương nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, anh đã phá bỏ 20 cây gỗ Tống quá sủ đã được trồng đã 20 năm nay để hiến gần 1.000 m2 đất để mở đường giao thông. Anh cho biết hiến đất thì thuận tiện cho đi lại, chở vật liệu, hàng hóa. Đường mở rộng thì xe cộ đi lại tránh nhau, xe cũng vào tận nơi thì mình bán được giá, đỡ vất vả, lợi cho dân.
Cũng như anh Thân, gia đình ông Giàng Seo Chinh, thôn Seng Sui tự nguyện phá bỏ cây cối, hoa mầu, và dỡ bỏ ngôi nhà mà gia đình ông vẫn đang ở, với tổng diện tích đất sản xuất và đất ở là 1.184 m2. Ông vui vẻ chia sẻ: "Đất là của nhà nước, nhà nước cần để làm vì lợi ích chung thì mình phải cho làm chứ".
Việc hiến đất được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân đã tạo thuận lợi cho giải phóng mặt bằng triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trong số đó, có thể kể đến các công trình, dự án lớn tại địa phương như dự án Đường Lùng Thẩn – Lùng Phình; dự án Quốc lộ 4Q – Trung tâm xã Lùng Thẩn và hơn 15 tuyến đường giao thông nông thôn liên thôn, nội đồng được triển khai đồng bộ đảm bảo tiến độ triển khai theo kế hoạch.
Trong 3 năm qua, đồng bào các dân tộc trong tỉnh Lào Cai đã tích cực đóng góp ngày công lao động, hiến đất và tài sản trên đất để phục vụ làm đường giao thông nông thôn với giá trị quy đổi từ hiện vật và ngày công thành tiền đạt trên 630 tỷ đồng. Đường bớt hẹp, người dân đi lại an toàn, thuận tiện hơn, hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, hàng hóa dễ dàng lưu thông, nông sản vận chuyển thuận lợi, thúc đẩy kinh tế, văn hóa phát triển, cuộc sống của người dân dần được cải thiện.
Đặc biệt coi trọng tuyên truyền
Vừa qua, tại hội nghị triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh, trong giai đoạn cuối của chương trình các đơn vị, địa phương cần đặc biệt coi trọng tuyên truyền để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó có nông thôn mới.
Bài học thành công trong vận động nhân dân hiến đất làm đường ở Lùng Thẩn, Si Ma Cai là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Qua quá trình thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, Chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn, Si Ma Cai cho biết, quan trọng nhất là sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Chính vì vậy, tuyên truyền có ý nghĩa rất quan trọng, để vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; để đem của dân, sức dân làm lợi cho nhân dân, đóng góp chung cho sự phát triển quê hương.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lào Cai Nguyễn Quốc Huy, trong những năm qua, bức tranh giao thông nông thôn tỉnh Lào Cai đã có nhiều chuyển biến tích cực mang tính “đột phá” về kết cấu hạ tầng giao thông. Tính từ khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2021 đến nay, các huyện đã triển khai thi công, đổ bê tông được 730 km trên tổng số 1.359km đã giao vốn, đạt 53,6%. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lào Cai đề xuất, trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn cần tiếp tục chú trọng chất lượng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa phát triển giao thông nông thôn.
Bên cạnh tuyên truyền, cần công khai minh bạch việc triển khai thực hiện các dự án, các khoản đóng góp của người dân theo quy định; tăng cường trách nhiệm quản lý dự án, giám sát chất lượng công trình, phát huy hoạt động của Tổ giám sát cộng đồng, phải có sự tham gia của cộng đồng trong quá trình thực hiện.
Cấp ủy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục huy động mọi thành phần kinh tế và nhân dân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, đồng thời tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra toàn diện việc tổ chức thực hiện, hoàn thành xây dựng đường giao thông nông thôn hàng năm theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Đồng thời, các ngành chức năng tiếp tục làm tốt đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở. Xây dựng chương trình, kế hoạch nhu cầu nguồn vốn phục vụ đầu tư, xây dựng đường giao thông nông thôn của những năm tiếp theo đảm bảo kịp thời, hiệu quả.