Thúc đẩy trồng trọt theo hướng xanh

Trong những năm gần đây, xuất phát từ thế mạnh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch tăng cao, trên địa bàn tỉnh Yên Bái phát triển nhiều mô hình trồng trọt theo hướng sạch, hữu cơ, tuần hoàn, áp dụng đồng bộ quy trình canh tác và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, từng bước thúc đẩy ngành trồng trọt theo hướng xanh, bền vững.

Áp dụng kỹ thuật tiên tiến

Chú thích ảnh
Nhãn lồng được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Ảnh: TTXVN phát

Khởi đầu của nông nghiệp xanh tại Yên Bái trong trồng trọt được thực hiện thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn như VietGAP, hữu cơ, GACP-WHO, Rainforest… Nhờ đó đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung tại các địa phương, cụ thể như trồng rau, hoa tại thành phố Yên Bái, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ; trồng quế, chè, măng Bát Độ tại Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn; trồng cây ăn quả tại Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn; trồng cây dược liệu tại Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải...

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, đổi mới quy trình canh tác và áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào trồng trọt thông qua việc sử dụng các thiết bị, máy móc, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và hệ thống quản lý thông minh để giúp cho quá trình trồng trọt trở nên tiện lợi hơn, chính xác và tiết kiệm chi phí hơn. Đồng thời giúp người nông dân sử dụng hiệu quả đất đai, nguồn nước tưới và bảo vệ môi trường, mang lại năng suất và giá trị cao hơn trên một đơn vị diện tích.

Điển hình như phương pháp canh tác lúa cải tiến (SRI) trên diện tích 260 ha, tại 19 xã trên địa bàn huyện Trấn Yên. Đây là phương pháp canh tác lúa tiên tiến, thực hiện tổng hợp các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý dinh dưỡng và quản lý nguồn nước. Kết quả cho năng suất lúa tăng ít nhất 20 kg/sào, tăng 10% so với canh tác truyền thống.

Theo ông Trần Đức Tiến, Chủ tịch UBND xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, khi áp dụng kỹ thuật canh tác này ruộng lúa thông thoáng hơn, cây cứng hơn, ít sâu bệnh hơn, nhất là bệnh khô vằn và rầy nâu. Vì vậy, chi phí cho việc sử dụng hóa chất trừ sâu bệnh giảm trung bình 30-50% so với phương pháp canh tác thông thường. Đây là giải pháp hữu hiệu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với phương pháp sản xuất lúa truyền thống.

Là một trong những mô hình rau sạch trồng trong nhà lưới trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, Hợp tác xã Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải hiện đang trồng 4 hét-ta rau các loại theo theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh việc đầu tư hệ thống tưới tự động và không sử dụng phân bón vô cơ, Hợp tác xã đã áp dụng cơ giới hóa cho toàn bộ quá trình từ khâu làm đất, thu hoạch, sơ chế đến khâu vận chuyển rau. Năng suất bình quân cho thu hoạch đạt 30 tấn/ha, doanh thu trên 500 triệu đồng/ha mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Túc, thành viên của Hợp tác xã chia sẻ, sau khi phân tích mẫu đất, nước và xây dựng thử nghiệm quy trình canh tác, Hợp tác xã đã lựa chọn các giống rau phù hợp, áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác tiên tiến, kết hợp nhà lưới với công nghệ tưới tự động; cơ giới hóa toàn bộ quy trình sản xuất, thực hiện luân canh, gối vụ cho 9 loại rau cho cả chu kỳ mỗi năm, đảm bảo sản phẩm được cung cấp ra thị trường liên tục. Phương pháp canh tác này đã cải thiện chất lượng đất, tăng khả năng giữ ẩm và độ phì nhiêu, giúp cây trồng phát triển tốt hơn.

Giảm thiểu sử dụng hóa chất

Chú thích ảnh
Khoai sọ nương được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu. Ảnh: TTXVN phát

Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có trên 230 cơ sở, nhóm hộ áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, hữu cơ, GACP-WHO, Rainforest... vào trồng trọt, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa đối với những sản phẩm chủ lực, tăng giá trị cho những sản phẩm đặc sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Tiêu biểu là sản phẩm quế của huyện Văn Yên, nơi có diện tích trồng quế lớn nhất cả nước, đạt hơn 80 nghìn ha.

Để tạo sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu các thị trường cao cấp, từng bước nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế, thương hiệu, vị thế cây quế trên thị trường trong nước và quốc tế, những năm qua, việc trồng quế an toàn, hữu cơ trên địa bàn Văn Yên đã trở thành xu hướng bắt buộc. Nhờ đó mà chất lượng tinh dầu quế luôn dẫn đầu cả nước, giá bán thường cao hơn từ 20-30% so với quế trồng ở các nơi khác.

Ông Bàn Phúc Hín, Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên chia sẻ, phải xuất phát từ lợi ích kinh tế và giá trị của môi trường sống mà vận động người dân trồng quế hữu cơ. Thực tế cho thấy, vùng quế an toàn, đạt tiêu chuẩn hữu cơ luôn được các nhà máy chế biến đặt mua trước với giá cao hơn nhiều so với quế trồng thông thường. Do vậy, người dân đã chuyển sang trồng quế sạch, theo hướng hữu cơ, tức là chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, kết hợp các dạng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, có thời gian phân hủy nhanh, chăm sóc thủ công, không sử dụng thuốc trừ cỏ, bón phân bón hóa học.

Nằm trong khu vực trọng điểm trồng cây ăn quả của tỉnh Yên Bái, 36 ha cam, bưởi đã cho thu hoạch của Tổ hợp tác sản xuất cam, bưởi an toàn Hồng Sơn ở thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn đều được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổ hợp tác có 17 hộ dân, mỗi năm cho thu hoạch trên 450 tấn cam và 3,5 vạn quả bưởi, doanh thu đạt gần 7 tỷ đồng.

Ông Hà Khắc Lâm, Tổ trưởng Tổ hợp tác chia sẻ: "Chúng tôi cam kết không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật; không sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất kích thích, sản phẩm đảm bảo về chất lượng và có truy xuất nguồn gốc. Ngoài việc thường xuyên theo dõi, giám sát chéo lẫn nhau thì sản phẩm của Tổ hợp tác được người mua kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi thu hoạch. Do thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP mà sản phẩm của chúng tôi luôn được các siêu thị, các thương lái đặt trước, giá bán cao hơn so với giá thị trường".

Việc áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP...) đã tạo tiền đề giúp tỉnh Yên Bái hình thành các vùng chuyên canh nông sản tập trung theo chuỗi giá trị, cho năng suất vượt trội, thuận lợi hơn cho việc cấp mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Điều đó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất, thực hiện sản xuất xanh thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn chất lượng của người nông dân.

Có thể nói, trong bối cảnh thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng nông sản, việc chuyển đổi phương thức, tư duy canh tác theo hướng nông nghiệp xanh của Yên Bái là giải pháp hữu hiệu giúp các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch và bảo vệ sức khỏe người dân.

Tiến Khánh (TTXVN)
Mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt trên 26 tỷ USD
Mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt trên 26 tỷ USD

Mục tiêu chung của Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, vững chắc an ninh lương thực quốc gia và các nhu cầu khác của nền kinh tế, gia tăng giá trị xuất khẩu; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống có hiệu quả thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nông dân...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN