Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới từ phát triển kinh tế di sản của Quảng Ninh

Ngày 21/12, tại huyện Vân Đồn, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh đồng tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh”.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Hội thảo với mục tiêu góp phần thúc đẩy động lực tăng trưởng mới; đồng thời, trên cơ sở đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển kinh tế di sản tại tỉnh Quảng Ninh để đưa ra các định hướng, giải pháp phát triển nguồn lực này thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương -Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Quảng Ninh là địa phương hiếm có trong cả nước, khi có tới 640 di sản vật thể, 360 di sản phi vật thể, trong đó có hàng chục khu di tích quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nổi bật và duy nhất là Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận và Quần thể di tích danh thắng Yên Tử. Những năm qua, Quảng Ninh đã tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa trên ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa. Kinh nghiệm của Quảng Ninh trong bảo tồn, phát triển các di sản trở thành động lực phát triển là bài học có giá trị đối với các địa phương khác trên cả nước.

Tuy nhiên, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng cũng chỉ ra thực tế ở một số nơi, vai trò của di sản là nguồn lực, động lực cho phát triển chưa được nhận thức đầy đủ; chưa xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển, nhất là trong liên kết vùng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa về cơ bản vẫn được xem là một nhiệm vụ của ngành văn hóa. Nguồn lực đầu tư cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa và thiên nhiên còn hết sức hạn chế. Giá trị kinh tế của di sản chưa được xem xét một cách thỏa đáng. Cách tiếp cận liên ngành kinh tế học di sản đối với các di sản văn hóa và thiên nhiên còn chưa được quan tâm đúng mức.

Do đó, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu Hội thảo tập trung thảo luận làm sáng tỏ nhận thức về kinh tế di sản là một động lực quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò của các chủ thể trong phát triển kinh tế di sản; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về nguồn lực phát triển kinh tế di sản; tiếp tục làm sáng tỏ, sâu sắc hơn kinh nghiệm phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh có thể nhân rộng ra cả nước.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo.

Phát triển kinh tế di sản cần có đột phá về khoa học công nghệ và chuyển đổi số, coi đây là chuyển đổi mang tính cách mạng, nhưng không làm thay thế các nghị quyết khác về phát triển di sản, nhưng phải lựa chọn trọng tâm là công nghệ mới, sáng tạo mới, chuyển đổi số, bứt phá, phát triển. Do đó kinh tế di sản không tách ra khỏi xu hướng chung, phải tiên phong đi đầu, sáng tạo, đổi mới, tìm ra công nghệ phù hợp phát triển lĩnh vực này.

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Quảng Ninh không bằng lòng với những gì đang có, mà cần tiếp tục nghiên cứu, thay đổi, tiếp nhận những kinh nghiệm chung của thế giới, trao đổi với các địa phương trong cả nước để tạo ra một hệ sinh thái phát triển di sản của cả nước.

Tại Hội thảo các đại biểu, diễn giả, nhà khoa học khẳng định, Quảng Ninh có nhiều thành tựu, nhưng trong quá trình phát triển, địa phương cũng đối mặt với không ít thách thức. Biến đổi khí hậu, áp lực từ du lịch đại chúng và việc quản lý chưa đồng bộ đang ảnh hưởng đến các di sản. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để tỉnh thực hiện các chiến lược phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo nhằm biến di sản thành tài sản kinh tế lâu dài.

Theo ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua địa phương cũng không ít lần đối diện với những khó khăn, sức ép từ dư luận trong vấn đề điều chỉnh không gian quy hoạch thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Trong khi thực tiễn cho thấy nếu không có những quyết sách đột phá về phát triển hạ tầng thì không thể có những công trình mới, hiện đại và đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa thời gian qua. Hệ thống đường bộ, đường không, đường thủy hiện đại, mang đẳng cấp quốc tế, như: Cảng hàng không quốc tế Vân đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu biển chuyên biệt phục vụ du lịch duy nhất của Việt Nam ở thời điểm hiện nay.

Việc phát triển kinh tế di sản trên địa bàn tỉnh trong thời điểm hiện nay cũng có nhiều thuận lợi nếu biết đón nhận các xu thế phát triển mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng sạch và có chiến lược đẩy mạnh áp dụng đưa những thành quả khoa học công nghệ tiên tiến vào ứng dụng trong việc tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa có giá trị cao dựa trên di sản.

Chú thích ảnh
Phiên tọa đàm bàn tròn các liên quan đến phát triển kinh tế di sản.​​​​​​

Hội thảo đã tập trung tìm các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế chính sách đặc thù đối với việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực kinh tế di sản; tận dụng hạ tầng giao thông để xây dựng liên kết vùng di sản tạo thành những sản phẩm du lịch bền vững, gắn chặt với bảo tồn, phát huy hơn nữa các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; tạo ra các sản phẩm văn hóa đặc trưng gắn với giá trị riêng có của từng vùng miền, văn hóa giai cấp công nhân vùng mỏ và các mô hình cung cấp dịch vụ số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; từng bước xây dựng nền móng ngành công nghiệp văn hóa giàu bản sắc, đa dạng sản phẩm văn hóa từ các sản phẩm thủ công truyền thống đến các sản phẩm tiên tiến, hiện đại phù hợp với kỷ nguyên số hóa, phù hợp với nhiều đối tượng, thành phần đưa ngành này trở thành động lực mới, mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế đi sản.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, tại Hội thảo các đại biểu đã chỉ rõ được trách nhiệm của toàn cầu, của cộng đồng xã hội, các cấp, ngành trong gìn giữ phát triển di sản, chỉ ra trách nhiệm, giải pháp để bảo tồn, phát huy di sản cho muôn đời sau.

Bài, ảnh: Thanh Vân (TTXVN)
Phát triển kinh tế từ di sản văn hóa Huế
Phát triển kinh tế từ di sản văn hóa Huế

Là vùng đất giàu giá trị di sản và văn hóa, Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực bảo tồn, khai thác hiệu quả hệ thống di sản đồ sộ nhằm mang lại sức sống mới cho di sản, đồng thời mang về nguồn thu lớn cho cộng đồng, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN