Thanh niên phát triển kinh tế nông nghiệp 

Chương trình đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp được các cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh Bắc Ninh quan tâm triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, khát vọng làm giàu chính đáng của đoàn viên, thanh niên địa phương.

Tiếp cận nghề nuôi thỏ từ cuối năm 2016, anh Đinh Văn Lịch, thôn Tư Chi, xã Tân Chi, huyện Tiên Du bắt đầu hành trình khởi nghiệp với 100 cặp thỏ bố mẹ. Thời gian đầu, vừa làm vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm; nhờ sự kiên trì, mô hình nuôi thỏ của anh dần đi vào ổn định. Hiện đàn thỏ phát triển lên hơn 1.000 con, trong đó khoảng 300 con thỏ bố mẹ, còn lại là thỏ thương phẩm cung cấp ra thị trường.

Nhận thấy tiềm năng của mô hình, được sự động viên, giới thiệu của Đoàn Thanh niên, năm 2019 anh Lịch mạnh dạn vay 600 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn để mở rộng quy mô chuồng trại. Từ quy mô chuồng nuôi nhỏ, đến nay, diện tích khu nuôi hiện nay lên tới gần 500m2, chuồng trại thông thoáng, bảo đảm vệ sinh, điều kiện chăm sóc tốt cho đàn thỏ. 

Anh Lịch chia sẻ: Với thanh niên, khi mới bắt tay vào khởi nghiệp thường thiếu vốn, kinh nghiệm. Tuy nhiên, tham gia vào tổ chức Đoàn, bên cạnh được vay vốn với mức lãi ưu đãi, nguồn vốn lớn, anh còn được tham gia vào các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh. Bởi vậy, quá trình khởi nghiệp có nhiều thuận lợi. 

Anh chọn thỏ là con vật khởi nghiệp, bởi so với các loại động vật khác, thỏ khá dễ nuôi, nguồn thức ăn phong phú, dễ kiếm, chủ yếu là các loại lá cây như: Cỏ sữa, ngô, chuối… Thời gian sinh trưởng của thỏ ngắn, từ 3 đến 4 tháng có thể lấy thịt, khoảng 5 tháng là sinh sản, bình quân mỗi lứa sinh sản từ 6 đến 10 con. Với mô hình hiện tại, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình thu về gần 100 triệu đồng từ việc bán thỏ giống và thỏ thương phẩm. Mô hình trở thành địa chỉ để nhiều thanh niên địa phương đến tham quan, học hỏi.

Cũng như mô hình của anh Lịch, mô hình nuôi thỏ và dúi của anh Nguyễn Quang Đạo, thôn Ngô Thôn, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, Bắc Ninh thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm; đồng thời mở ra hướng chăn nuôi, phát triển kinh tế mới, nhiều triển vọng cho thanh niên địa phương.

Anh Đạo cho biết: Để chọn cho mình hướng khởi nghiệp, anh Đạo đã lựa chọn nuôi gà và nuôi thỏ. Tuy nhiên, nhận thấy mô hình nuôi gà và nuôi thỏ kém hiệu quả, anh trăn trở tìm kiếm hướng đi mới cho bản thân trong phát triển kinh tế. Sẵn có niềm đam mê đặc biệt với con dúi, anh đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về con vật này. Năm 2021, tận dụng hơn 150 m2 diện tích chuồng nuôi gà của gia đình, anh đã cải tạo thành chuồng nuôi dúi và mua 10 cặp dúi giống về nuôi. 

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, nên Dúi bị chết nhiều, nhưng không vì thế mà chán nản, anh đã tự mình đi đến các mô hình đã thành công để học hỏi và trang bị kiến thức nuôi dúi.

Anh Đạo chia sẻ: Dúi thuộc loại động vật hoang dã nên khi nuôi cần nắm chắc tập tính, thói quen của nó thì mới phát triển được, dúi ưa bóng tối, hạn chế ánh sáng trực tiếp và tiếng ồn, ngủ ngày ăn đêm. Thức ăn ưa thích của dúi là  cây tre, dạng họ cây tre, thức ăn bổ sung như ngô, mía, cỏ voi để cấp nước. Nuôi dúi không khó, nhưng phải đặc biệt chú ý đến nhiệt độ, nhiệt độ phù hợp nhất từ 25 -28 độ C. Dúi có ưu điểm là không uống nước, lại ăn ít, nên lượng chất thải rất ít và sạch. Chuồng nuôi được thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích, với hàng trăm ô chuồng nhỏ, gia đình anh dùng gạch lát nền gắn với nhau, kích thước cao 60x60/ô xếp sát nhau. Sau gần hơn hai năm gắn bó với nghề, anh Đạo tăng tổng đàn từ 10 cặp ban đầu lên  hơn 200 con trong đó có 100 con dúi mẹ.  

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi dúi và thỏ của anh Nguyễn Quang Đạo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho hiệu quả kinh tế cao

Anh Đạo cho biết thêm hiện tại gia đình anh chủ yếu là nuôi dúi sinh sản để bán con giống. Thời gian sinh sản của dúi rất ngắn, kể từ khi giao phối đến khi sinh sản khoảng 45 ngày, một năm sinh sản 2- 3 lứa, mỗi lứa đẻ từ 3-8 cá thể. Mỗi con non từ khi sinh ra đến khoảng 2-3 tháng có trọng lượng từ 400-500 gram, có thể bán giống từ 1,3 -1,5 triệu đồng/cặp.  Như vậy trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 200-300 triệu đồng. Dự định trong thời gian tới, anh Đạo sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi và tiến tới sẽ xây thêm chuồng trại nuôi Dúi thương phẩm.

Mô hình nuôi dúi đã giúp gia đình anh Nguyễn Quang Đạo có thu nhập ổn định. Thành công từ mô hình cũng cho thấy mạnh dạn tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế giúp cho nhiều hộ gia đình nông thôn tự tin làm giàu.

Phát triển kinh tế nông nghiệp cho thanh niên tỉnh Bắc Ninh trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Qua đó, góp phần tạo công ăn việc làm, hướng đi mới cho thanh niên phát triển kinh tế. Thời gian tới, với vai trò đồng hành, giúp đỡ thanh niên khởi nghiệp, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh tiếp tục mở rộng đối tượng, quy mô hỗ trợ, tạo trợ lực giúp thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng.

Thanh Thương 
Điểm tựa kinh tế nông nghiệp Việt Nam - Bài cuối: 'Hạt ngọc trời' vươn mình trong kỷ nguyên mới
Điểm tựa kinh tế nông nghiệp Việt Nam - Bài cuối: 'Hạt ngọc trời' vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chặng đường 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất đã chứng kiến sự chuyển mình ngoạn mục của Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN