Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ có 40% cơ quan báo chí của tỉnh, gồm: Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên.
40% cơ quan báo chí của tỉnh (Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh) hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.
100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí.
Giảm tỷ lệ mất cân đối trong thụ hưởng các sản phẩm báo chí giữa khu vực thành phố và các vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đạt mức 60%/40%.
Có 40% cơ quan báo chí của tỉnh (Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh) được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện thông tin thiết yếu theo quy định.
Đến năm 2030, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.
Các cơ quan báo chí của tỉnh tối ưu hóa nguồn thu, trong đó Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phấn đấu tăng doanh thu tối thiểu 20% trên các nền tảng số.