Ban có nhiệm vụ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình hoạt động của doanh nghiệp tại khu vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất, kinh doanh và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh được xuyên suốt, liên tục với nguyên tắc “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Ban cần chủ động nắm bắt tình hình, thống nhất chủ trương về phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa trong tình hình mới; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp tại các khu vực sản xuất công nghiệp vừa duy trì sản xuất, kinh doanh vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, Ban cần chỉ đạo điều phối hoạt động giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn để chủ động, linh hoạt giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của từng cơ quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tại các khu vực sản xuất công nghiệp phục hồi sản xuất trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.
Ban sẽ là đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở Trung ương để báo cáo, đề xuất hướng xử lý nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, thực hiện nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của UBND tỉnh...
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, 9 tháng năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Trên địa bàn Thanh Hóa dịch COVID-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, sản xuất công nghiệp nói riêng, nhất là đợt dịch lần thứ 4. Một số ngành công nghiệp bị thu hẹp sản xuất do nhu cầu tiêu dùng giảm nên sản lượng sụt giảm (sản xuất bia, thuốc lá). Tuy nhiên, các sản phẩm may mặc, giày da tăng thêm sản lượng do có sự đầu tư mở rộng sản xuất và có thêm đơn hàng, các sản phẩm xi măng, gạch xây, thép cán… duy trì được sản xuất ổn định, sản lượng đạt khá do ít chịu tác động của dịch. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước tính tháng 9/2021 tăng 1,85% so với tháng trước, tăng 12,75% so với tháng cùng kỳ năm 2020…
Công tác phát triển doanh nghiệp tiếp tục đạt kết quả tích cực, đến tháng 9/2021 toàn tỉnh có 1.985 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước; 793 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, tăng 22,6%; 1.118 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,6%. Ngoài ra, toàn tỉnh có 123 doanh nghiệp thông báo giải thể để chờ làm thủ tục giải thể; 112 doanh nghiệp giải thể, tăng 23,1%…