Tập trung tiêu nước, chống úng bảo vệ lúa mùa

Những ngày qua, tại Nam Định xảy ra mưa lớn, lượng mưa phổ biến từ 80 đến hơn 200 mm.

Mưa liên tục khiến hàng nghìn ha lúa mùa mới gieo sạ, mới cấy ở các địa phương, nhất là vùng trũng thấp bị úng ngập. Ngành nông nghiệp địa phương đang khẩn trương huy động mọi nguồn lực tiến hành tiêu nước chống úng bảo vệ cho các diện tích lúa mới gieo cấy. 

Chú thích ảnh
Công ty khai thác công trình thuỷ lợi huyện Vụ Bản đi kiểm tra tình hình tiêu nước trên các cánh đồng. 

Vụ mùa năm nay gia đình ông Vũ Khắc Đại, xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản gieo cấy hơn 3.600 m2 lúa; trong đó chỉ có 10% là cấy còn lại là gieo sạ. Từ ngày 14/7 đến ngày 18/7, đặc biệt trong đêm ngày 17/7, trên địa bàn xuất hiện mưa lớn đã khiến cho toàn bộ diện tích lúa mới gieo sạ của gia đình bị ngập sâu trong nước từ 10-20 cm. Nếu trong vòng 3 ngày tới nước không rút, diện tích gieo sạ sẽ bị mất trắng.

Ông Đại cho biết, khi bị ngập nước từ 1-2 ngày thì lúa sẽ không chết, nhưng sẽ bị các loại cá, đặc biệt là rô phi lên phá và ăn lúa. Trong khoảng 2 ngày tới nếu nước không rút, gia đình sẽ phải chuẩn bị thóc giống ngâm bổ sung để khi nước cạn thì sẽ giặm vá vào những diện tích lúa đã bị hỏng. Trường hợp mưa không ngớt sẽ phải gieo cấy lại toàn bộ.

Đến ngày 18/7, huyện Vụ Bản đã hoàn thành gieo cấy khoảng 8.160 ha lúa mùa, tỷ lệ gieo sạ chiếm tới 80%. Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, đã có 2.450 ha diện tích gieo sạ bị ngập; trong đó có nhiều diện tích lúa ở các địa phương trũng bị hỏng hoàn toàn không có cơ hội phục hồi. Để bảo vệ những diện tích lúa mới gieo cấy, huyện Vụ Bản đang huy động mọi nguồn lực để chống úng cho lúa, sử dụng các loại máy bơm công suất lớn để tiêu nước nhanh nhất.

Ông Trần Đăng Lạp, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi huyện Vụ Bản cho biết, đơn vị đã huy động toàn bộ các trạm bơm hoạt động hết công suất nhanh chóng bơm nước ra khỏi đồng để cứu lúa cho người dân. Trong 1-2 ngày tới nếu thời tiết ủng hộ, nước sẽ rút ra khỏi cánh đồng.

Tại huyện Nghĩa Hưng, tiêu thoát chống úng cho những diện tích lúa mùa đang được triển khai quyết liệt. Huyện đã huy động toàn bộ máy bơm của Công ty Khai thác công trình thuỷ nông, các hợp tác xã và của người dân hoạt động hết công suất nhanh chóng bơm nước ra khỏi đồng ruộng để cứu lúa.

Ông Đinh Văn Chỉnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng thông tin, hiện toàn bộ 480 ha diện tích lúa mùa của hợp tác xã đã ngập sâu trong nước. Hợp tác xã đã huy động 11 máy bơm di động, 3 trạm bơm cố định và 10 máy bơm dầu tiến hành bơm nước từ ngày 16/7 đến hết ngày 18/7. Tuy nhiên, do mực nước ở ngoài sông dâng cao hơn so với đồng ruộng nên không mang lại hiệu quả, đến nay hầu hết các máy bơm đã dừng hoạt động.

Chú thích ảnh
Trạm bơm Đồng Lạc, huyện Vụ Bản, tăng cường bơm nước chống úng cho lúa. 

Theo ông Chỉnh, hiện nay chỉ có khoảng 20% diện tích lúa trên địa bàn là có thể cứu được. Hợp tác xã đã chỉ đạo tăng cường bơm nước để cứu diện tích này. Những diện tích còn lại, sẽ tiến hành quây vùng, đắp bờ để bơm nước ra ngoài, đồng thời thông báo cho các xã viên chuẩn bị sẵn sàng mạ để gieo cấy lại sau khi nước rút.

Ông Hoàng Quang Tuyến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng cho biết, huyện đã gieo cấy được 6.238 ha và đến nay toàn bộ 100% diện tích đã gieo cấy đều bị ngập. Những diện tích lúa gieo cấy trước ngày 10/7 có thể cứu được, những diện tích gieo cấy sau ngày 10/7 sẽ phải cấy lại. Vì vậy, đối với những diện tích có thể cứu được sẽ huy động mọi nguồn lực để bơm, tát chống úng cứu lúa, còn những diện tích khác sẽ thông báo đến người dân chuẩn bị ra giống nền cứng để cấy lại.

Tính đến ngày 18/7, tỉnh Nam Định đã có trên 34.000 ha lúa bị ngập; trong đó, huyện Hải Hậu có diện tích lúa ngập nhiều nhất với trên 8.800 ha, huyện Nghĩa Hưng trên 6.200 ha. Trước tình hình mưa lớn kéo dài và lịch xả lũ của các hồ thuỷ điện, tỉnh Nam Định đã yêu cầu các huyện, thành phố chủ động tiêu rút nước đệm trên các tuyến kênh mương, nhất là ở những vùng trũng, thấp. Đồng thời huy động mọi lực lượng, phương tiện máy móc để chống úng cho lúa, đặc biệt tại những vùng lúa gieo sạ nhiều.

Ông Trần Đức Việt - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định cho biết, ngành đã yêu cầu tổ chức kiểm tra, phân loại, đánh giá thiệt hại các trà lúa và rau màu để có biện pháp chăm sóc phù hợp. Những diện tích lúa bị thiệt hại nặng do ngập úng cần khẩn trương tổ chức gieo cấy lại bằng các giống lúa phù hợp, ưu tiên giống lúa ngắn ngày theo phương thức mạ nền, tận dụng mạ dư, mạ dự phòng để bảo đảm khung thời vụ.

Bài, ảnh: Công Luật (TTXVN)
Không gieo sạ khoảng 180 ha lúa để phản đối giá tưới tiêu nước quá cao
Không gieo sạ khoảng 180 ha lúa để phản đối giá tưới tiêu nước quá cao

Đến nay, đã hơn 2 tháng kể từ khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân nhưng nhiều hộ dân trong Tổ hợp tác số 12 (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) đồng loạt không gieo sạ khoảng 180 ha vụ lúa Hè Thu năm 2024 vì nông dân bức xúc, phản ứng việc chủ đầu tư Trạm bơm Tân Hòa (trước đây là Hợp tác xã tưới tiêu kênh Tân Hòa) thu phí phục vụ tưới tiêu nước quá cao trong suốt nhiều năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN