Lý Sơn đang đẩy nhanh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nhằm góp phần quan trọng vào việc giải quyết những khó khăn và nhu cầu thiết thực của người dân địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo ở địa phương đang gặp nhiều vướng mắc.
Theo đại diện UBND huyện Lý Sơn, địa phương gặp khó trong thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 4 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững). Hiện trên địa bàn còn hơn 400 hộ nghèo.ông tác đào tạo nghề cho đối tượng nghèo, cận nghèo trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, đa số những đối tượng này đều cao tuổi, những đối tượng trong độ tuổi lao động thì đa số làm nông nghiệp, ngại thay đổi công việc mới. Ngoài ra, trên địa bàn huyện không có sở sở đào tạo nghề, nên các nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo quy định không thể thực hiện được.
Việc bố trí các nguồn vốn cho các Tiểu dự án, Dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp trên địa bàn chưa hợp lý.
Đối với Tiểu dự án 1-Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp nhiều nội dung khó thực hiện nhưng bố trí vốn cao, trong khi Dự án 1 về đầu tư cơ sở hạ tầng bố trí vốn ít so với nhu cầu. Ngoài ra, Tiểu dự án 2 - Dự án 6 có rất nhiều nội dung để thực hiện nhưng bố trí kinh phí còn thấp.
Đối với Dự án 2 – Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và Tiểu dự án 1–Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp còn thiếu nhiều cơ sở pháp lý nên khó khăn cho việc triển khai thực hiện dự án. Đối tượng hưởng lợi của Dự án 2 thuộc Chương trình giảm nghèo là hộ nghèo, cận nghèo đa số là người tuổi cao, tàn tật, mất sức lao động, không có kinh phí đầu tư, nên sau khi kết thúc các dự án việc duy trì dự án cũng không được thường xuyên.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ, giao Ban quản lý xã lập hồ sơ, nhưng huyện Lý Sơn không còn chính quyền cấp xã, trong khi quy trình thực hiện cơ chế đặc thù trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 27. Vì vậy, rất khó khăn trong việc lựa chọn cơ chế đặc thù để thực hiện (Tỷ lệ số lượng 5% dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù trong chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Lý Sơn).
Một khó khăn nữa đó là thực hiệc các dự án, công trình xây dựng ở Lý Sơn việc đưa vật liệu xây dựng từ đất liền ra đảo, vận chuyển qua nhiều công đoạn nên giá thành rất cao so với đất liền dẫn đến suất đầu tư các công trình đều tăng cao. Trong khi UBND tỉnh Quảng Ngãi phân bổ nguồn vốn đầu tư theo nguyên tắc định mức tại Nghị quyết số 10/2022/NQ-Hội đồng nhân dân ngày 07/7/2022. Nguồn vốn phân bổ thấp so với nhu cầu dẫn đến rất khó khăn trong việc đầu tư các công trình trọng tâm, trọng điểm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh, cho biết, UBND huyện đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét cần điều chỉnh giảm định mức phân bổ nguồn vốn của Tiểu dự án 1 – Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp tại huyện đảo. Tăng định mức phân bố kinh phí đối với Dự án 1 về đầu tư cơ sở hạ tầng (thuộc nguồn vốn sự nghiệp) cho huyện đảo; tăng định mức phân bổ đối với Tiểu dự án 2 - Dự án 6 Truyền thông về giảm nghèo bền vững đồng thời.
Về vốn vay, hiện trên địa bàn huyện đối tượng hộ nghèo, cận nghèo phần lớn là già yếu, bảo trợ xã hội, nên không tiếp cận được nguồn vốn vay; các đối tượng tiếp cận nguồn vốn vay đi làm việc ở nước ngoài ít, trong khi các đối tượng còn lại trên địa bàn huyện không tiếp cận được nguồn vay từ Ngân hàng chính sách để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn, nên gặp khó khăn về kinh phí.
Do vậy, cần mở rộng đối tượng được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, ngoài các đối tượng đang được thụ hưởng từ Chương trình vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như quy định hiện nay.
Cụ thể, đề xuất cho tất cả người lao động trên địa bàn huyện Lý Sơn được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội để tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế của địa phương.
Bên cạnh đó, Lý Sơn kiến nghị cần nâng mức hỗ trợ tiền ăn trong thời gian tham gia khóa đào tạo sơ cấp nghề dưới 3 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo từ 30.000 đồng/người/ngày thực hiện lên từ 70.000 - 100.000 đồng/người/ngày nhằm khuyến khích động viên đối tượng tham gia các lớp đào tạo để nâng cao tay nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm.
Cũng theo ông Lê Văn Ninh, theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ, giao Ban quản lý xã lập kế hoạch hồ sơ chương trình mục tiêu quốc gia nhưng đối với huyện Lý Sơn không còn chính quyền cấp xã. Do vậy, cần có hướng dẫn riêng hoặc cơ chế riêng để thực hiện nội dung này.