Gần đây nhất, giữa tháng 12/2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Công văn đề nghị Công an tỉnh và nhiều sở, ngành vào cuộc khẩn trương kiểm tra làm rõ các vi phạm khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng xây dựng Như Ngọc và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại và Khai thác khoáng sản Miền Bắc tại xã Tử Du, huyện Lập Thạch. UBND tỉnh đồng ý đề xuất của ngành chức năng và chính quyền địa phương cho tạm dừng ngay hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản đất san lấp tại điểm mỏ khu Đồi Gẳm và điểm mỏ khu đồi Cây Quýt, Rộc Hóp, Rừng Mỏ, xã Tử Du, huyện Lập Thạch. Tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo ngay đến Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Như Ngọc và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại và Khai thác khoáng sản Miền Bắc biết để thực hiện việc tạm dừng khai thác, vận chuyển khoáng sản tại các điểm mỏ nêu trên. Vĩnh Phúc yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phải chủ động, quyết liệt hơn nữa để kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý, ngăn chặn các vi phạm về khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh...
Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp, đô thị, đường giao thông, hạ tầng phát triển khá mạnh nên nhu cầu khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường rất lớn, đặc biệt là đất san lấp phục vụ thi công san nền. Các hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của địa phương và các công trình trọng điểm của Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản địa bàn tỉnh là Công ty cổ phần, Công ty Trách nhiệm hữu hạn được thành lập theo Luật Doanh nghiệp và có đủ các điều kiện khai thác. Phần lớn các doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản địa bàn tỉnh chấp hành tốt các quy định của pháp luật, coi trọng đến bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn lao động, sử dụng khoáng sản tiết kiệm và có hiệu quả.
Tuy vậy, vẫn còn không ít doanh nghiệp đã lợi dụng hoạt động ngoài phạm vi cho phép, khai thác trái phép ở các vùng chưa được cấp phép, tự thỏa thuận với người dân khai thác khoáng sản bất kể đêm hay ngày. Điều này làm cho nhiều đoạn sông bị đục khoét, các bãi bồi trên sông bị biến mất, các đê kè và ruộng đất canh tác gần sông bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, hư hỏng khi nước lũ dâng cao. Hàng loạt đồi, núi trên địa bàn tỉnh bị băm nát do nạn khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép...
Từ năm 2011 đến 2016, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện bắt giữ 528 vụ, với 669 tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 9,5 tỷ đồng. Các năm 2021 và 2022, Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh, UBND các huyện chỉ đạo đơn vị chức năng ở cơ sở phát hiện nhiều vụ khai thác khoáng sản trái phép. Hiện nay, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã giảm nhưng tại một số địa phương vẫn diễn ra khai thác trộm (chủ yếu là khai thác cát sỏi lòng sông và đất đồi làm vật liệu san lấp), chủ yếu xảy ra trên địa bàn huyện Sông Lô, Yên Lạc.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành quyết định và phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh thực hiện bảo vệ và quản lý chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác, khu vực đóng cửa mỏ; bảo vệ cảnh quan, môi trường, an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương tại khu vực có khoáng sản.
Tỉnh quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật. Vĩnh Phúc cũng xây dựng cơ chế phối hợp trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với địa phương liên quan ở khu vực giáp ranh để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép. Đồng thời, tỉnh hạn chế việc cấp phép khai thác khoáng sản và yêu cầu các ngành chức năng giám sát chặt chẽ, không để tình trạng vận chuyển quá tải, vận chuyển khoáng sản trái phép...