Cán bộ Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk thăm hỏi, gia đình anh Y Dani Hđơk (buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) trong căn nhà mới khang trang mới xây. Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN
Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai nhằm tháo gỡ những khó khăn về nguồn gốc đất, vốn, cũng như những khó khăn khách quan (giá vật liệu tăng cao, thời tiết bất lợi...).
Phối hợp, hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ
Tình hình xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang đối mặt với nhiều thách thức về tiến độ và nguồn kinh phí. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh có 7.312 căn nhà tạm, dột nát cần xóa bỏ; trong đó 5.891 căn cần xây mới và 1.421 căn cần sửa chữa, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 515 tỷ đồng.
Mặc dù có nhu cầu lớn, song tiến độ thực hiện còn khá chậm. Tính đến ngày 19/5, toàn tỉnh mới hỗ trợ xây mới và sửa chữa được 3.959 căn, đạt 54,64% so với kế hoạch đề ra; trong đó đã bàn giao 1.480 căn đưa vào sử dụng. Trong 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh mới chỉ có huyện Krông Pắc hoàn thành việc xóa nhà tạm, dột nát cho đồng bào nghèo. Tình hình còn đáng lo ngại hơn ở một số địa phương khi việc triển khai chương trình chưa đạt 50% kế hoạch đề ra, điển hình như các huyện Krông Năng, Lắk, Krông Ana, Krông Búk, M’đrắk...
Đến nay, tổng kinh phí đã được phân bổ cho các chương trình là hơn 362 tỷ đồng, còn gần 153 tỷ đồng vẫn đang chờ phân bổ. Đặc biệt, kinh phí để triển khai Dự án 5 thuộc Chương trình 90 (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025) vẫn chưa được phân bổ cho hai huyện nghèo Ea Súp và M'đrắk. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc cải thiện điều kiện sống cho người dân tại những khu vực khó khăn nhất.
Với tốc độ hiện tại, việc hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát đúng thời hạn cần sự nỗ lực rất lớn từ các cấp chính quyền và sự phối hợp hiệu quả trong việc phân bổ và giải ngân nguồn vốn.
Theo ông Nguyễn Minh Huấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk, một trong những trở ngại lớn nhất hiện nay là vấn đề nguồn gốc đất. Nhiều hộ không có đất ở (đang ở nhờ nhà bố, mẹ, anh chị em, họ hàng); đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng; không thuộc đất quy hoạch đất ở; đất quy hoạch đất lâm nghiệp...
“Nhiều hộ nghèo chưa có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp, gây khó khăn trong việc xây dựng nhà mới. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát, hướng dẫn các thủ tục pháp lý để người dân sớm hoàn thiện hồ sơ”, ông Nguyễn Minh Huấn cho biết.
Tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc
Tình trạng danh sách hộ thụ hưởng còn chồng chéo cũng là một thách thức, đòi hỏi các địa phương phải rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo tính minh bạch và công bằng.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Đắk Lắk, thực hiện Đề án 214 (Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhu cầu xây mới trong năm 2025), đơn vị đã khởi công xây dựng 2.544/4.285 căn, đạt gần 60% kế hoạch; trong đó, đã bàn giao 438 căn.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, qua rà soát Công an tỉnh Đắk Lắk xác định có 1.378 hộ/4.285 hộ trong danh sách quyết định số 74/QĐ-UBND (Quyết định phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhu cầu xây mới trong năm 2025) không đủ điều kiện được nhận hỗ trợ xây nhà. Ngược lại, có 2.159 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện được hỗ trợ xây dựng mới nhà ở không nằm trong danh sách của Quyết định số 74.
Đại tá Trần Quang Hiếu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, để đảm bảo tiến độ thực hiện Đề án 214 do Công an tỉnh triển khai, đơn vị đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk đưa các hộ không đủ điều kiện ra khỏi Quyết định 74, đồng thời bổ sung 1.378 trong tổng số 2.159 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ xây nhà mới vào danh sách. Đối với 781 hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện nhưng không được hỗ trợ xây dựng nhà trong đợt này theo Đề án 214, Công an tỉnh đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan xem xét hỗ trợ xây mới nhà ở thuộc các chương trình, Đề án khác trong thời gian tới.
“Công an tỉnh Đắk Lắk quyết tâm hoàn thành Đề án 214 trước ngày 19/8 năm nay. Đây là dấu mốc kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân. Thời gian tới, Công an tỉnh mong muốn các đơn vị, địa phương tích cực phối hợp để giải quyết các khó khăn, vương mắc phát sinh; sớm bổ sung thêm nguồn vốn để Đề án được triển khai đúng tiến độ”, Đại tá Trần Quang Hiếu cho biết.
Về vấn đề nguồn vốn, lãnh đạo huyện Ea Súp chỉ ra một thực tế là việc phân bổ vốn còn chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. "Chúng tôi đã đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm phân bổ vốn để đảm bảo nguồn lực được sử dụng hiệu quả và kịp thời," ông Đỗ Xuân Dũng, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp kiến nghị.
Bên cạnh những vấn đề về đất đai, vốn, sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của địa phương, Chương trình xóa nhà tạm, dột nát ở Đắk Lắk còn phải đối mặt với những khó khăn khách quan như giá vật liệu xây dựng tăng cao thời gian qua tạo áp lực không nhỏ lên chi phí xây dựng, trong khi nguồn vốn hỗ trợ còn khiêm tốn. Điều này khiến việc xây dựng những ngôi nhà kiên cố, đảm bảo chất lượng trở nên khó khăn hơn. Thêm vào đó, mùa mưa đang đến gần cũng là một yếu tố làm chậm tiến độ thi công, đặc biệt ở những vùng có địa hình phức tạp, giao thông khó khăn.
Tại cuộc họp mới đây về tiến độ triển khai chương trình, ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Đắk Lắk, nhấn mạnh: Xóa nhà tạm, dột nát không chỉ là nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà còn là việc làm hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những hoàn cảnh khó khăn nhất. Các sở, ban, ngành và địa phương phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc để người dân sớm có nhà ở ổn định.
Để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chương trình hoàn thành trước ngày 31/10 theo chỉ đạo của Trung ương, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các cấp chính quyền, sở, ban, ngành có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nữa; phải rõ người, rõ việc và mốc thời gian thực hiện.
Các đơn vị khẩn trương tham mưu, bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa, đảm bảo đủ kinh phí để xây dựng nhà ở đạt chuẩn; đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến đất đai, để người dân và các đơn vị thi công không gặp nhiều rào cản. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng, tránh tình trạng đội vốn làm ảnh hưởng đến tiến độ chương trình.
Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các huyện, xã cần chủ động, quyết liệt hơn trong rà soát đối tượng, tuyên truyền, vận động và giám sát quá trình triển khai. Các địa phương cần có kế hoạch thi công hợp lý, ưu tiên hoàn thành các công trình trước khi mùa mưa đến để tránh bị gián đoạn; cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn và chất lượng công trình, đảm bảo mục tiêu đề ra.