Chi cục đã thả 31.000 con cá giống xuống lòng hồ thủy điện. Trong số đó, có 5.000 con cá trắm đen, 10.000 con cá trắm cỏ, 10.000 con cá mè, 2.500 con cá thát lát, 2.000 con cá chạch lấu và 1.500 con cá hô.
Bà Lê Thị Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho hay, chính việc khai thác quá mức theo kiểu tận diệt đã dẫn đến hậu quả làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản tự nhiên và đang trong tình trạng đáng báo động.
Trước tình hình trên, hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí để phục vụ việc khảo sát các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh để thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, coi đó là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách. Mục đích chính là tạo ra nguồn thủy sản dồi dào, đa dạng và tạo sinh kế bền vững cho người dân quanh vùng thụ hưởng. Đây là những giống cá có giá trị kinh tế rất cao, có khả năng thích nghi tốt với môi trường nước ngọt, nhất là huyện miền núi Sơn Tây.
Ông Bạch Ngọc Thêm, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tổng diện tích mặt nước của lòng hồ thủy điện Đắkđrinh lên tới gần 800 ha rất phù hợp với việc thả giống tái tạo thủy sản. Hoạt động này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Huyện sẽ chỉ đạo xã Sơn Liên tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không được đánh bắt, phải để cá sinh sôi, phát triển và chỉ được đánh bắt sau 15 -20 ngày kể từ ngày bắt đầu thả.
Trước đó, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tiến hành thả hơn 1 triệu giống thủy sản nước ngọt và nước mặn tại 3 địa điểm khác trong tỉnh gồm bàu Cá Cái (huyện Bình Sơn), đầm nước mặn Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ), hồ Núi Ngang (huyện Ba Tơ)…