Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai 29 đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trong các lĩnh vực nông nghiệp, y học.
Tiêu biểu như: Dự án ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất bưởi da xanh và chuối mốc theo hàng hóa tại huyện Sơn Tây; Đề tài tuyển chọn, nhân nhanh một số giống sắn mới kháng bệnh khảm lá, năng suất cao phục vụ canh tác sắn bền vững; Mô hình sản xuất liên kết tiêu thụ gừng sẻ theo chuỗi giá trị; Dự án cải thiện tầm vóc giống trâu địa phương bằng giống trâu Murrah; Đề tài xây dựng mô hình trồng, bảo tồn phát triển cây dược liệu Bảy lá một hoa tại các huyện Ba Tơ, Sơn Tây, Trà Bồng..
Từ các đề tài, dự án được triển khai ban đầu, các địa phương miền núi của tỉnh đã xây dựng nhân rộng được 61 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ có hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Có 200 kỷ thuật viên cơ sở được đạo tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án; 4.750 lượt nông dân được tập huấn về các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Từ là cây bản địa, trồng nhỏ lẻ, năm 2021, Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn Trà, huyện Trà Bồng đã liên kết với 30 hộ dân xã Sơn Trà, huyện Trà Bồng phát triển nhân rộng mô hình trồng gừng gió lên 6ha. Hợp tác xã hỗ trợ gừng giống, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc và thu mua gừng tươi của nông hộ liên kết.
Cây gừng gió phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Sơn Trà và được chăm sóc kỹ lượng nên cho năng suất, sản lượng cao. Hiện nay, mỗi năm nông dân chỉ liên kết trồng được 1 vụ, với sản lượng mỗi nông hộ thu hoạch được từ 200-300kg, có hộ trồng đạt năng suất 1 tấn đến 2 tấn. Với giá bán gừng tươi tại ruộng 30-50.000 đồng/kg. Theo người dân địa phương, trồng cây gừng gió đang mang lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa rẫy, trồng mì.
Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Sơn Trà Hồ Văn Nghĩa cho biết, từ năm 2022, Công ty Hoàng Linh Biotex đã ký kết thu mua gừng tươi với Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn Trà. Mỗi năm, công ty thu mua 20-25 tấn gường tươi cho nông dân. Gừng gió Trà Bồng được công ty chế biến sâu tạo thành các sản phẩm có lợi cho sức khỏe như gừng gió mật ong, cốm gừng, gừng đông trùng hạ thảo. Hiện sả phẩm gừng gió Trà Bồng được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Trong thời gian tới, Hợp tác xã sẽ liên kết với nông dân mở rộng vùng trồng, tìm kiếm kênh phân phối, tiêu thụ để cây gừng gió sẽ là kênh mở lỗi thoát nghèo cho đồng bào Cor huyện Trà Bồng.
Theo đại diện Ban dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thúc đẩy chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác, năng suất lao động, giúp cải thiện đời sống, thu nhập cho bà con. Các đề tài về y dược, kỷ thuật công nghệ, giáo dục đã tác động trực tiếp trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số. Giúp thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là giúp đồng bào dân tộc thiểu số học hỏi, nâng cao kiến thức hòa nhập với sự phát triển chung với các địa phương trong tỉnh.