Từ 1 giờ ngày 11/10 đến chiều cùng ngày, mưa đã tạnh, trời se lạnh, mực nước tại huyện Lệ Thủy 170cm, trên mức báo động I là 50cm, các trạm còn lại dưới báo động I. Trên địa bàn tỉnh có hơn 20 điểm bị ngập úng và sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Cụ thể, tại Ngầm Bùng Km562+200/QL 15 nước ngập sâu 1,2m, gây tắc đường từ 23 giờ ngày 9/10. Tuyến đường tỉnh 562, đoạn Km17+800-Km18+00/ĐT.562 nước ngập sâu 1,2-1,5m gây tắc đường. Ở các tuyến đường, ngầm bị ngập lụt, các đơn vị chức năng liên quan đã đóng barie phân luồng và trực theo dõi, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Trên địa bàn xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh có các thôn, bản Dốc Mây, Hối-Rấy, Nước Đắng nước vẫn ngập. Đường vào các bản Ploãng, Zìn Zìn, Trung Sơn cũng bị ngập do mưa lớn những ngày qua gây ra. Một số điểm nước đang xuống nhưng khá chậm.
Riêng tại địa bàn huyện miền núi Minh Hoá còn 4 điểm ngập úng, cụ thể: tràn Bến Seng, xã Tân Hóa nước ngập gây chia cắt thôn 4 và thôn 5; cầu tràn qua thôn Quyền và cầu tràn Bản Ón, xã Thượng Hóa đang bị ngập và ngầm Hung Trâu, xã Thượng Hóa nước ngập sâu 2m.
Mưa lớn những ngày qua đã gây sạt lở đường Hồ Chí Minh - nhánh Đông vào 3 bản của đồng bào Rục là Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa với khối lượng đất đá 100m3. Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương, bà con và các lực lượng chức năng liên quan đã tiến hành khắc phục và hiện nay đã tạm thời có thể qua lại và vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình.
Tại huyện Lệ Thuỷ, bờ kè thôn Thượng Hải, xã Ngư Thuỷ bị sạt lở với chiều dài khoảng 5m; tại km 123+200 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây thuộc xã Lâm Thủy bị sạt lở khoảng 30m3 đất đá (dài khoảng 10m, rộng 5m). Phía Bắc cầu 123 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây có 1 điểm sạt lở dài khoảng 10m phủ hết taluy âm. Đến thời điểm này, đường đã được khơi thông tạm thời để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Huyện Bố Trạch, trên Đường 20 tại km37 đường bị sạt lở xe ô tô không lưu thông được; đường vào hang Tám Cô ở xã Tân Trạch tại km 37 cũng bị đất đá sạt lở tràn xuống đường khoảng 30m3 gây tắc đường. Cống thuộc tuyến đường đoạn nối đường Hồ Chí Minh đi Cụm Công nghiệp xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới bị sạt lở cắt ngang đường khiến các phương tiện tham gia giao thông không thể lưu thông qua đoạn đường này.
Tuyến đường tỉnh 562 tại các vị trí Km36-Km38 và Km52+00 sạt lở taluy dương; tại km 35 Quốc lộ 9C mưa kèm gió lớn những ngày qua khiến cây gãy đỗ chắn ngang đường khiến các tuyến đường này đang tắc, người và phương tiện giao thông không qua lại được. Đơn vị quản lý tuyến đường tỉnh 562 đã đóng barie phân luồng và trực theo dõi nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Đặc biệt, đêm 10/10, mưa lớn kèm dông sét đánh khiến 0,6ha diện tích hồ nuôi cá tại địa bàn thôn Tân Hải, xã Ngư Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ bị thiệt hại nặng, với khoảng 3 tấn cá (chủ yếu cá lóc) bị sét đánh chết, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 150 triệu đồng.
Để chủ động ứng phó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã triển khai 28 tổ công tác tăng cường các địa bàn để nắm tình hình, phối hợp với địa phương ứng phó mưa lũ; sắp xếp, bố trí cán bộ, chiến sỹ chốt chặn, cảnh báo và hướng dẫn người dân qua lại đảm bảo an toàn; phối hợp với các đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ giải toả các điểm sạt lở để thông đường trong thời gian sớm nhất.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến thời tiết để thông báo cho các phương tiện tàu, thuyền biết chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời trong các tình huống.
UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra, giám sát chặt chẽ khu vực đầu nguồn sông, suối, cảnh báo kịp thời các khu dân cư ven sông, ven suối, khu vực có mái taluy âm, taluy dương, địa điểm có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng phương án di dời, sơ tán người dân đảm bảo an toàn và triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu và lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả khi có tình huống xảy ra…