Với cách làm này, nguồn nhân lực của Phú Thọ đã nâng cao ở cả 3 yếu tố cơ bản là thể lực, kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức lối sống, tạo sự hài lòng đối với các nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Đổi mới giáo dục nghề nghiệp
Với vị trí là trung tâm vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, có hệ thống giao thông quốc gia kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, Phú Thọ có nhiều điều kiện, cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp. Để đón đầu cơ hội thu hút đầu tư, bảo đảm phát triển bền vững, tỉnh đang đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo động lực đưa Phú Thọ bứt phá đi lên.
Để bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đào tạo, tỉnh Phú Thọ đã sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đồng bộ. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã hoàn thành sáp nhập, giải thể, chấm dứt hoạt động 21 cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, sáp nhập Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ nghệ thực hành và Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp vào Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ, từng bước xây dựng Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ trở thành trường đào tạo nghề trọng điểm, chất lượng cao của tỉnh; sáp nhập Trường Cao đẳng y tế với Bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ; sáp nhập các trung tâm cấp huyện thành 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc UBND cấp huyện quản lý.
Phú Thọ giải thể Trường Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật và du lịch; Trường bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và thành lập Trung tâm bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thuộc Trường Đại học Hùng Vương; giải thể Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ. Tỉnh chấm dứt hoạt động của Trường Trung cấp nghề Công nghệ, du lịch và dịch vụ Phú Nam, Trường Trung cấp nghề Bách Khoa Phú Thọ.
Hiện Phú Thọ hiện còn 43 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 8 trường Cao đẳng, 5 trường Trung cấp, 18 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Các cơ sở giáo dục tham gia đào tạo 40 mã ngành đại học; trên 40 mã ngành đào tạo cao đẳng; trên 80 mã ngành trung cấp, trên 100 mã ngành sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Mỗi năm tham gia đào tạo 49 nghìn người, trong đó lao động có trình độ đại học là 8,8%; cao đẳng 22,2%; trung cấp 28% và sơ cấp nghề, đào tạo dưới 3 tháng là 41%. Tỷ lệ lao động sau đào tạo nghề có việc làm đạt 85%, trong đó các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giải quyết khoảng 46,3 nghìn lao động.
Theo bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, sau sáp nhập quy mô ngành nghề đã quy về một, nguồn lực được tập trung và thực hiện hiệu quả công tác tuyển sinh. Nhiều trường đã đổi mới phương thức dạy, cơ cấu lại ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sử dụng hợp lý các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030.
Không ít trường cũng đã thực hiện liên kết, liên thông trong công tác đào tạo, nhất là đối với các ngành, nghề đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao như chăm sóc sức khỏe, y dược, công nghiệp chế biến, chế tạo; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; dịch vụ du lịch.
Ông Tần Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ cho biết, sau sáp nhập đã khắc phục được tình trạng trùng lắp một số ngành nghề đào tạo, việc tuyển sinh hiệu quả hơn. Ngoài ra, còn tận dụng được điều kiện về cơ sở vật chất nguồn nhân lực, nhờ vậy nhà trường có điều kiện thuận lợi trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hiện nay, nhà trường đang đưa vào đào tạo 5 ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia gồm công nghệ ô tô; hàn; cắt gọt kim loại; điện tử dân dụng; công nghệ thông tin và một nghề trọng điểm cấp ASEAN là kỹ thuật chế biến món ăn. Đồng thời, nhà trường ký hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh tiếp nhận học sinh thực hành, thực tế; liên kết liên thông với nhiều trường trong công tác đào tạo…
Ông Bùi Bá Đạt, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cẩm Khê cho biết: Sau sáp nhập từ hai trung tâm thành một do UBND huyện quản lý, công tác đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn đạt hiệu quả cao. Cùng với công tác khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của lao động, nhà trường còn tập trung đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, trong đó chú trọng các nghề có thế mạnh của địa phương như phát triển du lịch, nghiệp vụ lễ tân, dịch vụ nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn, làm tương, trồng và nhân giống nấm. Đồng thời, Trung tâm mời các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham gia truyền dạy nghề cho học viên. Nhờ vậy, sau khi được đào tạo, hầu hết lao động đều có việc làm, nhiều lao động được tuyển dụng tại các cơ sở sản xuất, nhà máy, khu du lịch dịch vụ trên địa bàn, nhiều lao động biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp, góp phần đắc lực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Phát triển đồng bộ cả thể lực, kỹ năng và đạo đức lối sống
Nhờ đổi mới giáo dục nghề nghiệp, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực đã phát triển tương đối đồng bộ trên cả 3 yếu tố cơ bản là thể lực, kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức lối sống. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao đã đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, tạo được sự hài lòng đối với các nhà đầu tư, giúp hàng chục nghìn lao động có việc làm mới mỗi năm tại khu cụm công nghiệp. Nhiều lao động khu vực nông thôn được học nghề, có điều kiện áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, góp phần đắc lực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
Đại diện Phòng Nhân sự, Công ty TNHH Hanyang Digitech Vina, chuyên sản xuất bản mạch điện tử máy tính, tại Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ, cho biết Công ty vừa tuyển 50 lao động phục vụ mở rộng quy mô sản xuất. Theo đại diện Công ty, các công nhân được tuyển dụng hầu hết được đào tạo, có kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức lối sống, bảo đảm các yêu cầu của công ty, tạo sự hài lòng đối với doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hữu Nhu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng 7 tháng đầu năm đã có thêm 9.536 lao động có việc làm, bằng 63,6% kế hoạch năm, tăng 52,7% so cùng kỳ; xuất khẩu lao động 936 người, đạt 37,4% kế hoạch năm tăng 20,9% cùng kỳ. Dự kiến trong năm 2021 sẽ có thêm 15-16 nghìn lao động qua đào tạo có việc làm mới; nâng tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp tại khu cụm công nghiệp lên đến 150 nghìn người, trong đó lao động có trình độ đại học chiếm 11,2%, cao đẳng chiếm 12,6%, trung cấp chiếm 15,2%, sơ cấp chiếm 10,6% và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm 24,4%.
Bên cạnh đó, nhờ được đào tạo, truyền nghề, trên 48,2 nghìn lao động nông thôn đã áp dụng được kiến thức, kỹ năng nghề vào sản xuất, mở rộng kinh doanh, chất lượng cuộc sống người dân nông thôn được cải thiện, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong thời gian tới Phú Thọ tiếp tục phát triển nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp chế biến, chế tạo; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch. Đồng thời, tỉnh tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn kết các cơ sở giáo dục hướng nghiệp với doanh nghiệp, mở rộng hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục rà soát, đổi mới hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, củng cố đội ngũ nhà giáo, bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng nghề và đầu tư cơ sở vật chất nâng cao chất lượng đào tạo. Phú Thọ tập trung đào tạo các ngành nghề mũi nhọn, có thương hiệu của từng trường, các ngành nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế và các ngành nghề doanh nghiệp, xã hội cần. Tỉnh tăng cường các hoạt động gắn kết giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm đáp ứng thị trường lao động.
Tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến năm 2025, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 72%, trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận chiếm 30%. Số lao động có việc làm mới tăng thêm 15.000-16.000 người/năm.