Phát triển vùng nhãn đặc sản Hưng Yên theo tiêu chuẩn VietGAP

Xã Tân Hưng, tỉnh Hưng Yên là một trong những địa phương có diện tích trồng nhãn lớn nhất tỉnh, với 330 ha; trong đó có 240 ha đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Chú thích ảnh
Người dân xã Tân Hưng (Hưng Yên) chăm sóc nhãn chuẩn bị thu hoạch. 

Hiện trên địa bàn xã trồng nhiều giống nhãn đặc sản như nhãn cùi cổ, nhãn đường phèn, nhãn đường phèn quả vuông... Để nâng cao chất lượng, giá trị của quả nhãn tươi và các sản phẩm chế biến từ nhãn, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng các vùng trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến sản xuất theo hướng hữu cơ.

Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Trương Quốc Trân cho biết, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng đầu tư thâm canh chiều sâu, chuyển đổi mô hình sản xuất từ phân tán sang tập trung. Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với cây nhãn và các loại cây ăn quả khác theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời có giải pháp cải tạo, thay thế cây trồng, vật nuôi bằng các giống có giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, xã cũng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường, cách xa khu dân cư, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, thu nhập bình quân trên một ha canh tác của xã đạt 250 triệu đồng/ha/năm (vượt mục tiêu Đại hội đề ra là 219,1 triệu đồng).

Hiện trên địa bàn xã Tân Hưng có 16 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản như nhãn tươi, long nhãn, bột sắn, mật ong, nuôi cá lồng, trồng dược liệu... Hầu hết các sản phẩm nông sản đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và công nhận là sản phẩm OCOP.

Theo ông Trương Quốc Trân, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã vẫn còn nhiều khó khăn. Việc liên kết với doanh nghiệp thu mua nông sản, nhất là quả nhãn tươi, còn hạn chế, dẫn đến giá bán nông sản của người dân không ổn định. Ngoài ra, một số hợp tác xã chưa chủ động tìm kiếm thị trường và định hướng phát triển, một số thành viên vẫn giữ tập quán sản xuất cũ, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình sản xuất mới, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Tân Hưng lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 đã đề ra mục tiêu: Khai thác hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, xã sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng – vật nuôi, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt chú trọng vùng trồng nhãn đặc sản; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Hưng Vũ Văn Thắng chia sẻ, cùng với phát triển kinh tế, thời gian tới xã tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền; huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị. Đồng thời, củng cố và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; xây dựng quy trình sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn mã vùng trồng cho sản phẩm, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản.

Chú thích ảnh
Khách hàng tham quan vườn nhãn của gia đình ông Bùi Xuân Sử (trái) xã Tân Hưng, tỉnh Hưng Yên.

Đồng quan điểm với định hướng phát triển kinh tế của địa phương - lấy nông nghiệp chất lượng cao, thương mại - dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp làm trụ cột - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Lê Xuân Tiến gợi mở: Với lợi thế là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, xã Tân Hưng cần xác định rõ định hướng phát triển vùng nhãn đặc sản theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, có mã vùng trồng, gắn với chỉ dẫn địa lý và tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, cần phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Địa phương cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ, nâng cao năng lực hoạt động cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhất là các hợp tác xã sản xuất quả nhãn tươi, long nhãn, mật ong, bột sắn dây, hạt sen… Đây là những đặc sản nổi bật riêng có của xã Tân Hưng.

Ông Lê Xuân Tiến đề nghị xã Tân Hưng tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất các mặt hàng nông sản theo hướng tập trung, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, chuẩn hóa quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, khuyến khích nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đặc sản của xã ra thị trường trong và ngoài nước.

Tin, ảnh: Quang Nhiều (TTXVN)
Lâm Đồng hướng tới 75% diện tích thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP
Lâm Đồng hướng tới 75% diện tích thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP

Là cây trồng chủ lực mang lại giá trị xuất khẩu cao nhưng những năm gần đây, sản xuất thanh long tại Lâm Đồng thường xuyên rơi vào “vòng xoáy” khó khăn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN